Tiềm năng phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam

16:23, 29/07/2013

Hiện nay, không ít ý kiến cho rằng lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô giảm dần để đến năm 2018 khi ô tô nhập từ các nước ASEAN vào nước ta sẽ là 0% thì nền công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thể cạnh tranh nổi với các nhà sản xuất ô tô trong khu vực. Cũng theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, rất có thể một số doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô Việt Nam sẽ hạn chế sản xuất, chuyển sang buôn bán, nhập khẩu ô tô, và khi ấy nền công nghiệp ô tô Việt Nam vốn đang yếu kém lại càng khó phát triển.

Thực tế trên cho thấy, một bức tranh không mấy sáng sủa đối với công nghiệp sản xuất ôtô Việt Nam. Tuy nhiên trong tình thế khó khăn đó sẽ bắt buộc các nhà sản xuất ô tô trong nước phải tìm cách vượt qua. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách phù hợp để tiếp tục phát triển công nghiệp ô tô trong nước. Trong một thời gian dài khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam chỉ chủ yếu dựa vào lắp ráp là chính, chưa quan tâm đầu tư đến nội địa hoá các linh kiện có thể sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô cũng chỉ chú trọng đến thay đổi mẫu mã để đẩy nhanh tiêu thụ, vì vậy cho dù mức tiêu thụ ôtô tăng cũng chỉ dựa vào sự thay đổi mẫu mã mà chưa do thu hút của giảm giá thành, hạ giá bán cho người tiêu dùng.

 

Việc giảm thuế nhập khẩu ô tô đến 0% vào năm 2018 đã là cơ hội để người tiêu dung Việt Nam được sở hữu ô tô với giá rẻ hơn, vì hiện nay giá ô tô tại Việt Nam vẫn đang vào loại đắt nhất thế giới và người sử dụng ô tô phải chịu đến 11 loại phí. Vậy nên việc giảm giá ô tô, giảm phí để thúc đẩy tiêu dùng nhằm hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước để đủ sức cạnh tranh với ôtô nhập khẩu là bài toán mà các nhà sản xuất ôtô trong nước và những nhà quản lý cần phải tìm lời giải hữu hiệu. Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Thái Lan đang là hai trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô lớn, họ đều có tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất khá cao, giá thành sản xuất khá thấp. Đây sẽ là hai quốc gia có sức cạnh tranh lớn về sản xuất ô tô tại Đông Nam Á. Tuy nhiên Việt Nam vẫn được xem là quốc gia có tiềm năng về phát triển công nghiệp ô tô. Theo ông Oshihisa Maruta, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam thì Việt Nam vẫn có tiềm năng về phát triển công nghiệp ô tô, đó là: dân số đông, trẻ, giá nhân công rẻ, nhân lực có trình độ cao tăng, lao động chăm chỉ, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục và phát triển, đặc biệt là tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người còn thấp…

 

Theo dự báo nhu cầu tiêu dùng ô tô tại Việt Nam trong những năm tới đây sẽ khá lớn, nhất là vào những năm sau năm 2020; đến năm 2025 khả năng tiêu thụ ôtô trong cả nước sẽ khoảng 900 nghìn chiếc và sẽ đạt 1,5-1,8 triệu chiếc vào năm 2030. Đây sẽ là một lợi thế rất lớn và là tiềm năng để công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Tuy nhiên để nắm bắt cơ hội đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn và các cơ quan quản lý cũng cần phải có chính sách tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, hạ tầng, chính sách hỗ trợ nội địa hoá sản xuất ôtô cũng như chính sách khuyến khích tiêu dùng ôtô sản xuất trong nước để công nghiệp ô tô Việt Nam đủ sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu.