Siết chặt quản lý thị trường dịp Tết

09:20, 22/01/2014

Càng gần đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, sức mua của người tiêu dùng càng tăng và lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường càng trở nên sôi động, đa dạng. Đây cũng chính là lúc nhiều đối tượng lợi dụng để trà trộn hàng hóa phẩm cấp thấp vào thị trường nhằm kiếm lời bất chính. Chỉ trong 2 tháng gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện và xử lý 103 vụ vi phạm về thị trường, trong đó có những vụ quy mô lớn, hoạt động tinh vi.

Từ 2 vụ vi phạm điển hình  

   

 

Trong 9 huyện, thành, thị của tỉnh thì T.P Thái Nguyên là địa bàn phức tạp nhất về giao thương hàng hóa, trong đó đáng chú ý là các trường hợp kinh doanh hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.

 

Những ngày cuối tháng 12-2013, lực lượng QLTT thành phố đã tiến hành kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh quần áo và dụng cụ thể thao trên địa bàn phường Trưng Vương và phường Đồng Quang. Kết quả đã phát hiện 4 cửa hàng bán quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu Nike nổi tiếng. Tại 3 cửa hàng bán đồ thể thao thuộc phường Trưng Vương là cửa hàng của bà Nguyễn Thị Bắc, tổ 18 phường, cửa hàng của bà Bùi Thị Phương Nga, tổ 18 và cửa hàng của bà Lương Thị Việt Hiệu, tổ 23, lực lượng chức năng đã phát hiện 22 chiếc áo dài tay, áo khoác nghi giả nhãn hiệu Nike. Kiểm tra tại cửa hàng của ông Hà Mạnh Duy, tổ 16, phường Đồng Quang, lực lượng chức năng phát hiện 28 chiếc áo thể thao dài tay và 3 đôi giày nghi giả nhãn hiệu Nike. Do việc làm giả nhãn hiệu rất tinh vi (khó phân biệt giữa hàng thật và hàng giả), nên ban đầu lực lượng QLTT thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong xác minh. Đơn vị phải đề nghị Công ty TNHH Nike Việt Nam phối hợp bằng cách kiểm định các mẫu áo, giầy nghi giả mạo. Kết quả, toàn bộ số áo, giày nói trên là giả, giá trị ước tính khoảng 30 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp trên, mỗi trường hợp 4 triệu đồng.

 

Tiếp theo là trường hợp vi phạm khá tinh vi, đòi hỏi lực lượng QLTT phải dày công phối hợp, xác minh và đấu tranh xử lý. Đó là trường hợp kinh doanh dây cáp điện giả nhãn hiệu Cadisun của chủ cửa hàng thiết bị điện tại tổ 16, phường Gia Sàng do bà Hoàng Tuệ Minh làm chủ. Tại đây, lực lượng QLTT đã phát hiện trên 120m dây cáp điện nhôm vặn soắn kích thước 4x50 và 4x95 với trị giá khoảng 100 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, ông Trần Khánh Phương, Đội phó Đội QLTT T.P Thái Nguyên cho biết: Đây là trường hợp vi phạm khá tinh vi, nếu nhìn bề ngoài không thể phát hiện được hàng giả mạo. Khi kiểm tra, chủ cửa hàng đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa vì đây là cửa hàng được Cadisun giao làm đại lý. Nhưng với sự phán đoán chính xác của mình, sau khi được Nhà máy Dây cáp điện Thượng Đình (đơn vị sản xuất dây cáp điện Cadisun) tại Thanh Xuân (Hà Nội) kiểm định, lực lượng QLTT thành phố đã quyết định tạm giữ số dây cáp giả mạo trên, đồng thời tham mưu trình cấp thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đầu tháng 1-2014, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng đối với bà Hoàng Tuệ Minh vì hành vi kinh doanh hàng giả.

 

Siết chặt quản lý

 

Những ngày giáp Tết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, cùng với các lực lượng chức năng khác, lực lượng QLTT đã tích cực ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lĩnh vực thị trường trên toàn địa bàn. Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, ông Trần Mạnh Thuận - người có nhiều năm trực tiếp tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động thị trường trong dịp Tết Nguyên đán - cho biết: Những năm gần đây, tình hình hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có xu hướng gia tăng và hoạt động ngày càng tinh vi hơn trước. Vào dịp giáp Tết, hàng giả thường tập trung vào những loại mà người tiêu dùng có nhu cầu cao như: Quần áo, đồ điện, điện tử, xe đạp điện, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát và một số hàng tạp hóa khác. Do vậy, thời điểm này, Chi cục QLTT thường huy động hết lực lượng, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm giảm thiểu hàng hóa phẩm cấp thấp trà trộn vào thị trường.

 

Theo báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh, từ 20-11-2013 đến 20-1-2014, lực lượng QLTT trên toàn địa bàn đã tiến hành kiểm tra 111 vụ, xử lý 103 vụ, trong đó có 10 vụ liên quan đến hàng nhập lậu, 9 vụ giả nhãn hiệu hàng hóa và kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, 33 vụ vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, 12 vụ đầu cơ, găm hàng và vi phạm lĩnh vực giá, 3 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cùng nhiều trường hợp vi phạm khác. Lực lượng QLTT đã tiến hành xử phạt, tịch thu hàng hóa, nộp ngân sách Nhà nước trên 388 triệu đồng.

 

Đánh giá về tình trạng vi phạm các quy định trong lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh thời điểm giáp Tết, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, tính phức tạp của thị trường đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, đáng lưu ý một số hàng hóa có yếu tố nước ngoài, nghĩa là sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nhưng lại do một số cơ sở ở nước ngoài làm giả tuồn vào nội địa tiêu thụ. Ngoài các mặt hàng làm giả, thì hàng hóa vi phạm quy định nhãn mác cũng khá phổ biến, nhất là bánh, mứt, kẹo. Cụ thể, hàng hóa vi phạm thường không ghi ngày sản xuất, chỉ tiêu định lượng trên bao bì. Hàng hóa vi phạm về đo lường cũng khá phổ biến, chủ yếu đối với các mặt hàng đóng gói sẵn như: gạo, đường, mứt, kẹo, hạt hướng dương, nho khô… Các mặt hàng vi phạm thường hay thiếu trọng lượng so với khối lượng công bố. Các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát những ngày giáp Tết cũng hay bị làm giả hoặc quá hạn sử dụng…

 

Có thể nói, thị trường những ngày giáp Tết rất đa dạng và phong phú về chủng loại hàng hóa. Việc các đối tượng lợi dụng thời điểm này để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường ngày càng tinh vi. Bởi vậy, cùng với lực lượng chức năng của tỉnh, chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phát hiện, góp phần bài trừ hàng giả, hàng kém chất lượng ra khỏi thị trường.