Hàng Việt đang lấy lại niềm tin

10:42, 08/08/2014

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã qua 5 năm triển khai. Ghi nhận kết quả bước đầu ở một số thị trường lớn trong nước cho thấy, từ tâm lý sính ngoại, số lượng người tiêu dùng chọn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước đã tăng lên đáng kể. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, hàng nội đã chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu hàng hóa được bày bán.

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh ta đã tổ chức 22 phiên chợ với tổng doanh thu trên 20 tỷ đồng, đồng thời đã tổ chức có hiệu quả chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia chủ yếu của các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Chương trình đã tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn được tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả hợp lý, có chất lượng, được phục vụ bởi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đoàn viên, hội viên, các cấp hội; lồng ghép các nội dung cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với triển khai các hoạt động của tổ chức, đơn vị mình; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và người thân ưu tiên sử dụng hàng Việt trong mua sắm, tiêu dùng.

 

Trong tỉnh đã có nhiều làng nghề và làng nghề truyền thống khẳng định được uy tín, chất lượng hàng hóa với người tiêu dùng trong và ngoài nước như các làng nghề chè, nghề chế biến sản phẩm mây, tre, đan xuất khẩu... Toàn tỉnh hiện có 105 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Các làng nghề đều được hỗ trợ kinh phí xây dựng cổng làng, xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ triển lãm, xây dựng được nhiều website miễn phí và tập huấn ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh, góp phần mở rộng sản xuất và nâng cao thu nhập cho người lao động.

 

Cùng với việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp, doanh nhân chủ động hơn trong phát triển sản xuất kinh doanh nhằm phát huy tối đa lợi thế của các doanh nghiệp trên thị trường. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đáp ứng nhu cầu và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm đã đứng vững trên thị trường như chè, sắt thép, xi măng, hàng may mặc... Một số doanh nghiệp, cửa hàng, công ty đã cung cấp số lượng lớn hàng hóa thiết yếu, có chất lượng đến với đồng bào vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng như: Viễn thông Thái Nguyên, Công ty cổ phần sách và thiết bị Thái Nguyên, Công ty cổ phần văn phòng phẩm Hồng Hà, Siêu thị Minh Cầu, Công ty cổ phần may TNG...

 

Trong nước, một số ngành hàng, nhất là ngành hàng thực phẩm, đồ uống, dệt may, da giày, hàng tiêu dùng… đã chứng kiến sự trở lại của những thương hiệu nội. Sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu, hàng nhập lậu, sự trở lại của hàng Việt đã ghi dấu ấn tích cực với người tiêu dùng cả về chất lượng và giá cả, phù hợp với tâm lý sử dụng của người Việt. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" còn tạo sức lan tỏa sang những ngành, lĩnh vực khác như ngành du lịch với "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam"... Song ở một số nơi vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp nhập lậu các linh kiện, máy móc lắp ráp, sau đó gắn mác sản xuất trong nước để đưa ra thị trường; cửa hàng kinh doanh treo biển "Made in Việt Nam" nhưng bán hàng kém chất lượng, thậm chí trộn lẫn cả hàng giả, hàng tồn kho để bày bán… Nhiều người tiêu dùng đã có phản ứng gay gắt với hành động chặt chém khi sử dụng những sản phẩm du lịch ở địa phương này, điểm du lịch kia… Những biểu hiện chưa đẹp đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người tiêu dùng. Thiết nghĩ, để trở thành thói quen, hành vi, tạo tâm lý hướng nội cho người tiêu dùng, bên cạnh những cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phù hợp, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, đơn vị, người kinh doanh phải thực sự là "đại sứ" cho hàng Việt, phải xây dựng và giữ cho được chữ tín đối với khách hàng.

 

Trên thực tế, người tiêu dùng luôn có sự lựa chọn cho riêng mình xuất phát từ những trải nghiệm thực tế, điều kiện cụ thể. Nhìn từ những thành công của nhiều thương hiệu Việt trên thị trường thời gian qua có thể khẳng định, người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt nếu sản phẩm, dịch vụ đó đạt chất lượng, giá cả hợp lý và thực sự đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.