Chất lượng tốt, mẫu mã dần được cải thiện, hệ thống phân phối đang dần được mở rộng, hàng Việt Nam đã và đang đến với nhiều người dân nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Với nhiều người dân, lựa chọn hàng Việt Nam đang là ưu tiên số 1.
31 tuổi, anh Hoàng Thanh Nghĩa, ở xóm Vân Hòa, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), từ khi có con nhỏ, anh Nghĩa cẩn thận hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng và thường ưu tiên lựa chọn những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được sản xuất trong nước. Gần đây nhất, khi chọn mua cho con mình chiếc xe đạp, anh Nghĩa đã bỏ qua hàng chục sản phẩm hình dáng, màu sắc bắt mắt xuất xứ từ Trung Quốc để chọn một chiếc xe đạp do Công ty Nhựa Chợ Lớn (T.P Hồ Chí Minh) sản xuất.
Anh cho biết: Trong nhà tôi, hiện có tới khoảng 80% các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước. Bà Hoàng Thị Cảnh, 54 tuổi, xóm Vân Hòa cho rằng, mình chọn hàng xuất xứ từ Việt Nam vừa bền, đẹp lại góp phần nhỏ bé ủng hộ cho các thương hiệu Việt Nam. Nếu như trước đây, các vật dụng trong nhà bà chủ yếu là hàng Trung Quốc thì nay, bà đã dần thay thế bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.
Trên địa bàn xã Văn Hán hiện có khoảng 130 hộ kinh doanh rải rác trên toàn xã. Mặt hàng kinh doanh hầu hết là các nhu yếu phẩm phù hợp với thị hiếu và đời sống của người dân. Hầu hết các mặt hàng kinh doanh đều có xuất xứ trong nước. Theo ước tính của ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Hán thì khoảng 80% hàng hóa bán trên địa bàn là hàng sản xuất trong nước. Ông Hiền cho rằng, mặc dù Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa có hoạt động chính thức trên địa bàn xã nhưng chính nhu cầu thật sự của người dân về những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý, chất lượng tốt, hình thức đẹp đã đưa hàng Việt về với nông thôn Văn Hán. Khoảng 3 năm trước, hàng xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập địa bàn Văn Hán nhưng nay chỉ còn chiếm khoảng 20% thị phần. Tới đây, khi chúng tôi hoàn thành nâng cấp đường trục chính đến trung tâm xã và hoàn thành xây dựng chợ trung tâm xã, chúng tôi sẽ đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ để thực hiện một số chương trình quảng bá, đưa hàng Việt về nông thôn nhằm mục đích kích cầu của bà con với hàng tiêu dùng sản xuất trong nước.
Tương tự như xã Văn Hán, hàng xuất xứ trong nước cũng chiếm ưu thế trên địa bàn xã Minh Lập. Ông Dương Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Lập cho biết: Toàn xã có trên 100 hộ kinh doanh tạp hóa trong đó trung bình hàng Việt Nam chiếm khoảng 65% bởi hiện tại nhu cầu của bà con nông thôn về hàng Việt Nam rất lớn. Nhu cầu này xuất phát từ uy tín của hàng sản xuất trong nước ngày một được nâng cao. Hàng Việt giá thành hợp lý, chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng nên chiếm lĩnh thị trường cũng phù hợp. Ngoài ra, mới đây thì ngành Công thương cũng phối hợp với huyện tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi qua đó đã góp phần thiết thực quảng bá hàng Việt Nam đồng thời khuyến khích được đông đảo người dân sử dụng hàng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Sáu, một hộ kinh doanh tạp hóa ở xóm Ao Sơn, xã Minh Lập thì cho biết: Nhà tôi có tới 70% hàng hóa là sản xuất trong nước. So với cách đây khoảng 3 năm thì lượng hàng Việt bán ra từ cửa hàng nhà tôi đã tăng gấp 2 lần do như cầu của bà con địa phương về hàng Việt Nam tăng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Kiều Hưng, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ cho biết: Mặc dù chưa có thống kê về thị phần hàng sản xuất trong nước nhưng những năm gần đây, tỷ lệ người dân ưa thích dùng hàng Việt đã tăng mạnh trên địa bàn kéo nhu cầu hàng Việt tăng cao. Phần lớn hàng hóa trên thị trường đặc biệt là thị trường nông thôn của huyện đều là hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, góp phần làm cho hàng Việt phổ biến ở nông thôn phải kể đến hiệu quả của các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Thực tế cho thấy, những chương trình này đã tạo sức hấp dẫn, sự hào hứng cũng như sức mua dồi dào của người tiêu dùng nông thôn Đồng Hỷ. Bên cạnh đó, sau mỗi chương trình, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều đã từng bước gây dựng được hệ thống phân phối, đảm bảo duy trì nguồn hàng và có chỗ đứng nhất định tại phân khúc thị trường này. Mặc dù chưa tổ chức được rộng rãi các chương trình này nhưng qua thực tế thì sự chào đón của người dân cho thấy hàng Việt có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Theo ông Hưng, để hàng Việt trụ vững lâu dài ở khu vực nông thôn chứ không chỉ lên - xuống theo đừng đợt vận động thì các doanh nghiệp phải có sản phẩm phù hợp và mở rộng các hình thức phân phối linh hoạt, đa dạng hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền từng địa phương trong công tác tuyên truyền về chất lượng và sự tin dùng của hàng Việt Nam cũng như khơi gợi lòng yêu nước qua việc sử dụng hàng Việt.
Bên cạnh đó, những chủ trương, chính sách khuyến khích của Nhà nước nói chung và chính quyền các địa phương nói riêng là yếu tố không thể thiếu để hàng Việt có thể “bám rễ” ở nông thôn. Có thể nói, thị trường nông thôn với lượng người tiêu dùng dồi dào và sức tiêu thụ chưa được khai thác là thị trường tiềm năng, được đánh giá như mảnh đất sống và phát triển màu mỡ của doanh nghiệp Việt. Đây cũng chính là nhân tố tạo ra lợi thế so sánh giúp hàng Việt cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trước xu hướng hội nhập quốc tế nếu được khai thác một cách hiệu quả, phù hợp tâm lý, nhu cầu của người tiêu dùng.