Từ ngày 1-12 tới, bảy tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Bà Rịa -Vũng Tàu triển khai đưa xăng sinh học E5 Ron 92 (E5) ra thị trường tiêu thụ và từng bước thay thế hoàn toàn xăng khoáng Ron 92. Mặc dù vậy, vẫn có không ít ý kiến lo ngại về chất lượng, nguồn cung ứng nhiên liệu, tâm lý tiêu dùng... cũng như việc chậm đưa ra chính sách trợ giá, ưu đãi doanh nghiệp (DN) của các bộ, ngành liên quan, khiến công tác này đang gặp không ít khó khăn.
Gấp rút trước giờ "G"
Theo lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã được Thủ tướng phê duyệt, đến thời điểm này, các địa phương và DN được giao nhiệm vụ đã và đang tích cực chủ động đưa xăng E5 vào lưu thông rộng rãi trên thị trường. Tại Quảng Ngãi, hiện có 146 trong số 150 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng E5, đạt 97,3% kế hoạch. Bốn cửa hàng còn lại chuyển sang bán xăng Ron 95. Các đại lý chưa tham gia phân phối xăng E5 do đóng tại huyện đảo Lý Sơn hoặc tại các vị trí không thuận tiện trong việc phân phối. Sau hơn ba tháng đưa xăng E5 ra thị trường, tỷ trọng mặt hàng xăng E5 chiếm khoảng 77%, không có biến động so với sản lượng tiêu thụ xăng Ron 92 trước đây. Đà Nẵng cũng bắt đầu bán xăng E5 từ ngày 1-10, và sau một tháng, xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng Ron 92, lưu hành song song với xăng Ron 95. Các địa phương khác như Cần Thơ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lưu thông xăng E5 trên thị trường theo đúng lộ trình. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam không nằm trong mục tiêu của Quyết định 53 nhưng tỉnh này đã lập kế hoạch thay thế 100% xăng khoáng Ron 92 bằng xăng E5 từ ngày 1-12 tới.
Qua khảo sát, người tiêu dùng hầu như không quan tâm, phân biệt chuyện bán xăng E5 hay xăng khoáng Ron 92. Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Quảng Nam) Nguyễn Quang Lâm cho biết: Qua gần một tháng rưỡi, các cửa hàng đưa xăng E5 ra bán song song với xăng Ron 92 nhưng người tiêu dùng ở địa phương không thắc mắc, khiếu nại và coi xăng E5 là loại nhiên liệu bình thường. Điều người tiêu dùng quan tâm, mong muốn là giá xăng E5 phải rẻ hơn xăng Ron 92. Khi được hỏi về quá trình sử dụng xăng E5, anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại phường Tân Thạnh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, anh đã sử dụng xăng E5 hơn một tháng nay, nhưng xe máy vẫn chạy bình thường như khi dùng các loại xăng khác. Tuy nhiên, theo anh Sơn, để xăng E5 tiếp cận sâu vào thị trường, Nhà nước và DN kinh doanh xăng dầu cần có chính sách khuyến khích, nhất là đưa ra giá bán phù hợp, giá như hiện nay chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Hiện nay, 150 cửa hàng, đại lý xăng dầu của tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp phân phối xăng E5 đến người tiêu dùng. Theo các chủ cửa hàng, đại lý xăng dầu, sau ngày 1-9, sản lượng bán xăng E5 tăng từ 10 đến 15% so với trước đây. Kể từ ngày 1-8, Petrolimex Quảng Ngãi đã triển khai kinh doanh xăng E5. Đến đầu tháng 9 đã có 20 đại lý với 22 cửa hàng nhập xăng E5 từ Petrolimex Quảng Ngãi. Trong tuần đầu, bình quân mỗi ngày các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống Petrolimex bán ra thị trường 80 nghìn lít xăng E5. Tại Quảng Nam, từ đầu tháng 10 tới nay, tất cả các cửa hàng xăng dầu đều phân phối xăng E5 song song với xăng Ron 92 và có hơn 30 cửa hàng bán xăng E5 thay thế cho xăng Ron 92. Đến nay, lượng xăng E5 tiêu thụ tăng lên đáng kể, mỗi tháng tiêu thụ hơn 1,5 triệu lít, chiếm hơn 30% lượng xăng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Khu vực 1 Nguyễn Thị Minh Hiền cho biết, công ty hiện có 72 cửa hàng, mỗi năm cung cấp gần 400 nghìn m 3 xăng dầu ra thị trường. Hiện tại công ty đã hoàn thiện trạm phối trộn xăng E5 ở Đức Giang, dự kiến sau ngày 20-11 sẽ đi vào hoạt động. Công ty cũng đã hoàn thành các phương án và triển khai ở 12 cửa hàng trực thuộc để bán xăng E5. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trong tháng 12 tới, Hà Nội sẽ triển khai kinh doanh xăng E5 tại 28 cửa hàng, đến tháng 2-2015, sẽ bán xăng E5 tại 14 cửa hàng, nâng tổng số lên 42 cửa hàng, dự kiến lượng xăng E5 tiêu thụ chiếm khoảng 25% - 30% tổng lượng xăng bán ra.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Hiện tại, các DN kinh doanh xăng E5 được hưởng mức hoa hồng đại lý cao hơn xăng Ron 92 truyền thống vì Tập đoàn xăng dầu (Petrolimex) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang có chính sách hoa hồng đại lý đối với việc tiêu thụ xăng E5. Tuy nhiên, các DN vẫn phải tự đầu tư hệ thống bồn bể, súc rửa và lau chùi bồn bể,... để bảo quản, lưu trữ xăng E5. Nếu bồn bể súc rửa, lau chùi không kỹ, nước sẽ phản ứng với cồn sinh học làm biến đổi mầu sắc và kết tủa, làm hao hụt nhiên liệu, ảnh hưởng lợi nhuận. Chính vì vậy, một số DN ở vùng trũng, ngập lụt không bán xăng E5 (chỉ bán xăng 95). Ngoài ra, việc nhận hàng tại Nhà máy lọc dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) hiện nay rất chậm, đang có dấu hiệu đứt nguồn hàng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam Lê Thành Lưu cho biết, để bán rộng rãi xăng E5 theo lộ trình, Petrolimex và PVN phải bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho DN; thống nhất bán xăng E5 trên toàn bộ các cửa hàng xăng dầu (kể cả các cửa hàng ở vùng thấp) thuộc hệ thống hai tập đoàn này. PVN cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật, cải hoán, súc rửa bồn bể cho các DN bán xăng E5; xây dựng các chương trình tuyên truyền về tiêu chuẩn chất lượng để người dân yên tâm sử dụng xăng E5. Việc xây dựng trạm phối trộn, bồn chứa... chiếm vốn lớn sẽ là khó khăn đối với DN nếu như không được Nhà nước hỗ trợ. Do vậy, để giảm việc dùng xăng truyền thống, rất cần các bộ, ngành xây dựng phương án giá thật sự ưu đãi, lúc đó người tiêu dùng thấy mức giá hợp lý thì xăng E5 mới có thể tăng sản lượng tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ hợp lý đối với DN trong việc đầu tư, nâng cấp trang, thiết bị... nhằm bảo đảm chất lượng xăng E5.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Lê Xuân Trình, PV Oil hiện có 276 cửa hàng kinh doanh bán xăng E5 trên cả nước; năm trạm pha chế xăng E5 theo mẻ (in-tank) đặt tại các vùng với tổng công suất khoảng 60 - 72 nghìn m 3 /năm. Ngoài ra, PV Oil hiện có bốn trạm pha chế liên tục ( in-line) với công suất pha chế 240 nghìn m 3 /năm/trạm, đang hoạt động ổn định... đủ khả năng cung cấp xăng E5 phục vụ nhu cầu của thị trường.
Thực tế tại các địa phương cho thấy, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn e ngại sử dụng xăng E5 do chưa có đủ thông tin về chất lượng sản phẩm cũng như các lợi ích về môi trường, xã hội của loại xăng này. Họ cho rằng xăng E5 có ảnh hưởng đến phương tiện sử dụng, nhất là sau khi có hiện tượng nhiều xe bị cháy thời gian qua. Một số tổng đại lý, đại lý và chủ cửa hàng xăng dầu chưa mặn mà kinh doanh xăng E5 vì ngại đầu tư, chuyển đổi, vệ sinh bồn bể, trụ bơm và thay đổi bảng biểu; lo ngại giảm doanh thu do người tiêu dùng chưa quen sử dụng xăng E5... Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ đã và đang cùng các bộ, ngành đề xuất, tiến hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, phân phối và kinh doanh nhiên liệu sinh học, đồng thời bảo đảm cho chương trình thực hiện có kết quả tốt như chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, không để tư thương ép giá gây thiệt hại cho người trồng sắn, tạo lòng tin cho nông dân yên tâm sản xuất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất ê-ta-nôn. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp các bộ, ngành liên quan tạo điều kiện hình thành và phát triển mạnh ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học, tạo lập thị trường thông thoáng và thuận lợi để thúc đẩy các DN đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sản phẩm nhiên liệu sinh học. Tiếp tục chỉ đạo các DN thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nhiên liệu sinh học đúng tiến độ đề ra, bảo đảm đủ nguồn cung theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ cũng sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về nhiên liệu sinh học ở phạm vi quốc gia.