“Ấm” dần thị trường quần áo mùa đông

09:30, 17/12/2014

Cách đây một tuần, thời tiết chưa rét lắm nên các cửa hàng bán quần áo mùa đông rất vắng khách. Dạo quanh các tuyến đường Bến Tượng, chợ Thái, chợ Đồng Quang, Lương Ngọc Ngọc Quyến; đường Minh Cầu… quần áo rét bày la liệt. Chị Nguyễn Thị Xuân - người bán quần áo vỉa hè trên đường Bến Tượng, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên tâm sự: Theo thói quen của người tiêu dùng, lúc trời ấm thì người dân thường đủng đỉnh; khi trời rét đậm mới vội vàng đi mua áo rét. Vì vậy, từ đầu mùa rét đến nay, chúng tôi bán quần áo rét mà như ngồi trên đống lửa vì chẳng mấy người hỏi mua nên có ngày chẳng bán được chiếc áo nào. Rất may, những ngày gần đây trời trở rét nên chúng tôi mới bán hàng được chút ít”.   

Các sản phẩm áo rét năm nay được tung ra và chiếm ưu thế trên thị trường vẫn là các chất liệu: phao, len, dạ, nỉ, ka ki, chất lông và được thiết kế nhiều kiểu dáng phù hợp với mọi lứa tuổi. Bên cạnh các mặt hàng đã có thương hiệu do Việt Nam sản xuất như: Công ty May Việt Tiến; Công ty May Nhà Bè; Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty may Thăng Long, Hà Nội… với nhiều mẫu mã đẹp thì các sản phẩm của Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng được bày bán la liệt với giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp. Ví dụ: 1 chiếc áo len Hàn Quốc có giá từ 300 - 400 nghìn đồng; 1chiếc áo dạ dài giá khoảng 650 nghìn đồng; áo phao dài có mũ lông khoảng 750 nghìn đồng/chiếc… Giá cả các mặt hàng do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất cũng rất phong phú: Áo phao Trung Quốc bình dân có giá từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng/chiếc; áo phao giả lông vũ có giá 3 triệu đồng/chiếc; áo dạ có giá từ 500 nghìn đồng loại bình dân đến 2,5 triệu đồng/chiếc; áo len dài loại đẹp từ 400 đến 600 nghìn đồng/chiếc; áo len bình dân giá từ 100 đến 200 nghìn đồng/chiếc; áo chất ka ki giá từ 300 đến 400 nghìn đồng/chiếc; áo lông hàng chợ có giá từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng; loại đẹp có giá từ 2 triệu đồng đến 7-8 triệu đồng/chiếc… Các loại quần bò bình dân có giá từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng/chiếc; quần len, quần nỉ giá từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/chiếc. Vì vậy, khách mua hàng tha hồ “lựa cơm gắp mắm”.

 

Em Hoàng Thu Ngân, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: “Đối với sinh viên chúng em thì việc mua một chiếc áo hàng do Trung Quốc sản xuất vẫn là lựa chọn số 1 vì giá cả cũng vừa phải, chỉ 500 đến 600 nghìn đồng đã mua được một chiếc áo dạ hoặc giả da ưng ý”. Nhưng quan điểm của các bà, các cô lớn tuổi, có kinh tế một chút thì lại thích chọn hàng Việt Nam xuất khẩu hoặc hàng Hàn Quốc sản xuất. Chị Vũ Thị Hằng ở phường Phan Đình Phùng cho biết: Tôi thích mua hàng Việt Nam xuất khẩu, giá cả có hơi đắt một chút nhưng chất lượng bền và đẹp. Song, qua quan sát của chúng tôi thì thấy: Mặc dù tốc độ mua sắm của người tiêu dùng  so với những ngày đầu đông có tăng lên chút ít, nhưng sức mua vẫn giảm hơn nhiều so với mọi năm. Một số cửa hàng lúc nào cũng đông người, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số quầy hàng, nhất là hàng bán vỉa hè bán không chạy hàng lắm đã đề biển hạ giá, thanh lý chỉ có 100 - 180 nghìn đồng/chiếc áo phao; hoặc thanh lý cả cửa hàng. Siêu thị Domax chợ Thái còn giảm giá các loại áo phao từ 40 đến 60%.

 

Chị Nguyễn Thị Thanh, một người bán hàng ở chợ Thái đã hơn chục năm nay than vãn với tôi: Chưa bao giờ hàng hóa lại ế ẩm như năm nay. Người đi xem, chơi chợ là chính, chẳng thấy người mua nhiều. Một trong những nguyên nhân hàng hóa bán ra còn khiêm tốn theo nhận xét chung là: bên cạnh nguyên nhân chính là do đời sống người dân vẫn còn khó khăn hoặc nhu cầu đã tương đối bão hòa thì còn do một vài nguyên nhân khác như: Do trời mới trở rét nên nhu cầu mua sắm có tăng nhưng chưa bức thiết vì từ nay đến Tết Nguyên đán còn hơn 2 tháng nên nhu cầu sắm sửa quần áo vẫn chưa nhiều. Hội chợ Quốc phòng đang diễn ra, trong Hội chợ cũng trưng bày và bán rất nhiều sản phẩm quần áo rét. Trong hai ngày (thứ Bảy và Chủ nhật) lượng khách hàng vào mua sắm tại Hội chợ khá đông nên đã vãn lượng khách bên ngoài. Ngoài ra, một bộ phận chị em có xu hướng  tự mua vải may áo rét vì giá vải chất liệu: dạ, len, lông giá cả cũng rất phải chẳng chỉ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng/mét vải nên nhiều chị em có tâm lý thích đi may áo hơn (tính cả công may chỉ gần 1 triệu đồng/chiếc áo ưng ý). Vì vậy, các quầy hàng bán vải ở đường Hoàng Văn Thụ, đường Cách mạng Tháng Tám, đường Lương Ngọc Quyến cũng tăng số lượng người mua lên so với trước.

 

Mặc dù năm nay rét đến muộn, song cái rét đầu đông đang là khởi đầu tốt đẹp và ai cũng mong thị trường ngày càng “ấm” lên, vì từ nay đến Tết Nguyên đán vẫn còn nhiều thời gian và cơ hội cho những người bán hàng.