Thị trường cuối năm

10:47, 19/12/2014

Càng gần cuối năm và Tết cổ truyền của dân tộc, thị trường hàng hóa càng sôi động do sức mua tăng cao, đồng thời tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm càng diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân. Đây cùng chính là thời điểm các phần tử buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gia tăng hoạt động "móc túi" người tiêu dùng.

Dịp cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm ứng kinh phí thực hiện nhiệm vụ dự trữ, góp phần bình ổn giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với những mặt hàng gồm: Gạo, bánh, kẹo, dầu ăn, đường RE, thực phẩm chế biến (thịt lợn, thịt gà), muối i-ốt, với tổng số vốn tương ứng là 49,5 tỷ đồng, bao gồm tạm ứng của tỉnh và đóng góp của các doanh nghiệp. Đối tượng tham gia là các DN, cơ sở có chức năng sản xuất, kinh doanh những mặt hàng phù hợp với các mặt hàng tham gia chương trình; DN có uy tín, năng lực, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn. Thời gian thực hiện từ ngày 1-12-2014 đến 1-3-2015.

Dịp cuối năm, các mặt hàng thiết yếu như thịt gà, thịt lợn, hải sản, trứng, gia cầm, bánh mứt kẹo, đồ uống, hoa quả, thuốc lá... thường có lượng tiêu thụ lớn. Ðây là thời điểm để các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu, vừa phục vụ người dân với giá cả hợp lý, vừa góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 

Ngay từ đầu tháng 10, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) của tỉnh xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm; tăng cường kiểm tra việc niêm yết và bán hàng theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất trong tỉnh lưu thông; bảo vệ tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

 

Dự báo lượng hàng hóa thiết yếu mà các DN, siêu thị phục vụ Tết năm nay sẽ tăng khoảng 15 đến 20% so năm trước; sức tiêu thụ hàng hóa có thể tăng 20% so với ngày thường. Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, đặc biệt là nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp có một cái Tết trọn vẹn, bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương đã cùng với các DN trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá. Chương trình bình ổn giá sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu với giá rẻ hơn giá thị trường từ 5 đến 10%. Các điểm bán hàng bình ổn giá sẽ treo biển nhận diện, giúp người tiêu dùng nhận biết điểm bán hàng giá hợp lý. Các DN tham gia chương trình bình ổn giá cũng đang tập trung khai thác, dự trữ 7 nhóm hàng thiết yếu, bao gồm: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, rau củ quả; đồng thời tích cực đưa ra nhiều sản phẩm mới với giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, phong phú; thực hiện chương trình đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động QLTT chưa phát huy hiệu quả do thiếu sự phối hợp đồng bộ với các lực lượng liên quan như công an, thuế, chính quyền địa phương... Nếu chỉ một trong số các lực lượng nêu trên hoạt động đơn lẻ thì khó có thể đạt hiệu quả cao, thí dụ như QLTT không có chức năng chặn tàu, xe để kiểm tra cũng như không có phương tiện hoạt động chuyên nghiệp như công an... Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ của lực lượng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Ðịa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng vi phạm phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo địa phương và lực lượng chức năng địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định. Cùng với các giải pháp trên, các ngành cùng như DN cần dự báo sát tình hình thị trường, tăng cường cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, không để thiếu hàng dịp Tết; phát hiện những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường để có các giải pháp xử lý kịp thời. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ có chuẩn bị đầy đủ nguồn lực mới bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu người dân và chống lại được nạn đầu cơ, tích trữ, tăng giá hay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

 

Những ngày này, sức mua tăng, các chiêu trò khuyến mại, giảm giá cũng thường “náo nhiệt” hơn và gây rủi ro cho cả người mua và người bán. Bởi vậy, người tiêu dùng cũng cần lưu ý, cân nhắc kỹ, tranh thủ tư vấn của người cùng sở thích; tỉnh táo tìm hiểu nguồn gốc, chất lượng, kiểm tra hạn sử dụng, hình thức và thời gian bảo hành, dịch vụ sau bán hàng, quyền lợi và mức giá; tránh mua phải hàng giảm giá "sốc", nhưng vẫn đắt so với mặt bằng chung. Các lực lượng chức năng cần quyết liệt vào cuộc, tăng cường tuần tra trên các tuyến quốc lộ, địa bàn "nóng" về buôn lậu; tập trung đánh vào các đầu nậu, đường dây buôn bán, những "chuyên đề" trọng điểm. Lực lượng QLTT cần đổi mới cơ chế hoạt động, phối hợp tích cực với các ngành liên quan, tăng cường giám sát và thể hiện tốt vai trò của mình, bảo đảm sự lành mạnh, minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi khách hàng và cả cộng đồng xã hội.