Tìm thị trường đầu ra nhằm đảm bảo cho việc tiêu thụ sản phẩm ổn định luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành trồng trọt. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều yếu tố cản trở tới quá trình này, trong đó, có thể kể đến việc phá vỡ quy hoạch sản xuất về diện tích, sản lượng,…của nhiều ngành hàng nông sản. Bởi vậy, không là điều ngạc nhiên khi các điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra.
Nhằm định hướng dài hạn cho việc phát triển các ngành hàng trồng trọt, nhiều quy hoạch đã được ban hành như: quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,… Các quy hoạch được xác định trên cơ sở nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, bền vững. Đồng thời, phát triển theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bản thân các quy hoạch cũng nêu rõ về diện tích trồng trên cả nước, diện tích cho sản phẩm, dự tính năng suất, sản lượng, sản phẩm đạt chất lượng cao, cơ cấu sản phẩm của các mặt hàng cụ thể. Đặc biệt, với những tỉnh có lợi thế sản xuất, số lượng được đưa ra cụ thể ở các thời điểm dài hạn. Trong quy hoạch cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan cùng nhau phối hợp thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, từ văn bản đến thực tế sản xuất vẫn còn là một “quá trình dài” khi nhiều mặt hàng nông sản được trồng chưa theo đúng định hướng quy hoạch.
Ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NN&PTNT) nhìn nhận, công tác quy hoạch với một sản phẩm ngành hàng chỉ mang tính định hướng, những yếu tố tác động tới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch đang bị phá với với nhiều nhóm hàng, sản phẩm nông sản tại các địa phương. Tiêu biểu như cà phê, quy hoạch chỉ cho phép trồng 520.000ha, nhưng nay đã phát triển lên tới 620.000ha; mặt hàng cao su cũng vượt quy hoạch, từ 800.000ha trong mức cho phép, lên hơn 1 triệu ha. Gần đây, về cây mắc ca, chúng ta mới chỉ trồng thử nghiệm, Bộ NN&PTNT đang làm quy hoạch nhưng tại một số địa phương người dân đã tiến hành trồng.
Hiện nay, ruộng đất đã được giao cho nông dân chủ động sản xuất, tuy nhiên, người nông dân vẫn trồng theo hình thức tự phát, manh mún, “mạnh ai người nấy làm”. Khi mặt hàng bán được giá, nông dân tự bỏ các cây trồng trước, chuyển sang đổ xô trồng hoặc mở rộng thêm diện tích nhằm tăng sản lượng nông sản. Tuy nhiên, khi lượng cung lớn hơn cầu, việc giá thành giảm xuống là điều dễ hiểu. Khi đó, bản thân các mặt hàng nông sản rơi vào tình trạng ế ẩm, bài toán về đầu ra thị trường lại trở nên bế tắc.
Điều này có thể thấy rõ khi thời gian qua, nông dân trồng dưa tại Quảng Nam và Quảng Ngãi đã bị ế hàng khi lượng cung lớn hơn cầu do nguồn dưa tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vẫn đang còn ùn tắc. Hoặc việc sản xuất hành tím ồ ạt tại tỉnh Sóc Trăng, không có thị trường đầu ra cũng là điều dễ hiểu. Đã có câu chuyện đặt ra rằng, chính quyền cơ sở đã nhiều lần chia sẻ với bà con việc mở rộng trồng sản phẩm số lượng nhiều một lúc sẽ gây nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Vậy, khâu quy hoạch bao giờ có thể được giải quyết khi bản thân người nông dân vẫn sản xuất mang tính tự phát, trồng theo phong trào, theo số đông, để điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn mãi đeo đẳng.
Một trong những vấn đề cần quan tâm nữa là tác động của việc trồng dư diện tích khi quy hoạch bị phá vỡ, trội lên. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới lượng cung, giá sản phẩm mà hơn hết còn ảnh hưởng tới chất lượng môi trường. GS.TS Vũ Trọng Hồng – Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp Thủy lợi Việt Nam đã nêu lên thực tế rằng, với việc trồng cao su vượt quá ngưỡng cho phép đã gây nên nhiều hậu quả tới môi trường. Điều này có thể thấy rõ khi lượng nước ngầm ở khu vực Tây Nguyên đang giảm đi trầm trọng, gây nên nhiều đợt khô hạn, thiếu nước không chỉ tại vùng mà còn ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Trồng cao su nhiều cũng có nghĩa là làm mất dần đi lớp thảm thực vật nâng cao độ che phủ rừng – yếu tố quan trọng giúp đảm bảo nguồn nước ngầm.
Hay như trong các giải pháp để thực hiện quy hoạch, gồm: nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu phát triển; chú trọng kỹ thuật canh tác, chế biến, thu hoạch, bảo quản tốt nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn yếu, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đề ra, ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch của sản phẩm.
Thêm vào đó, thực tế công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo các chứng chỉ VietGAP, Global GAP, thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề cho nông dân,… thời gian qua đã được triển khai và áp dụng. Trong đó, đã có nhiều mô hình triển khai thành công và hiệu quả, đặc biệt là trồng rau theo hướng VietGAP, nhiều máy móc hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong sản xuất, thu hoạch lúa,… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều hợp tác xã của người nông dân vẫn tự mày mò tìm ra cách sản xuất, tìm ra đầu ra cho sản phẩm khi công tác dạy nghề vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự sâu sát, chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất của người nông dân. Một chủ nhiệm HTX đã từng chia sẻ, bản thân HTX luôn là những người tự đi tìm nguồn tư vấn trợ giúp giúp bà con nông dân, thiết lập đường dây nóng với các công ty cung cấp sản phẩm đầu vào – những đơn vị sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích và thiết thực cho thực tiễn sản xuất của bà con. Trong khi đó, chủ nhiệm HTX cũng chỉ ra rằng, các bài giảng, các giáo trình được giảng dạy chỉ là những lý thuyết chung chung, dài, mà bản thân người nông dân rất khó để nắm bắt để ứng dụng hiệu quả vào sản xuất thực tiễn.
Thiết nghĩ, việc quy hoạch sản xuất là vấn đề quan trọng và cần thiết nhằm định hướng tổng quan, lâu dài, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược cho ngành hàng sản xuất. Đây cũng là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cầu, giá cả, sản lượng, môi trường và nguồn thu nhập của người nông dân. Bởi vậy, chỉ khi nào giải quyết được những vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch mới đảm bảo được mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân, ổn định tình hình sản xuất. Trong đó, để thực hiện được điều này, rất cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương các cấp và hơn hết vẫn là sự đồng lòng thực hiện của người nông dân.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các khâu trong quá trình sản xuất cần được áp dụng thiết thực với thực tiễn, chỉ khi chúng ta “làm thật, ăn thật” thì khi đó, mới thực hiện hiệu quả cho các khâu nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng kỹ thuật, và đặc biệt hơn là tạo niềm tin cho người nông dân. Nếu để nông dân vẫn còn mơ hồ, hoang mang, tự mò mẫm trong quá trình sản xuất thì khâu thực hiện quy hoạch vẫn sẽ chỉ rối như tơ vò./.