Cơ quan quản lý bảo giảm, doanh nghiệp nói không!

08:36, 28/01/2016

Trước việc giá xăng, dầu trong nước liên tục được điều chỉnh giảm, ngày 30-12-2015, Sở Tài chính đã có công văn gửi các đơn vị vận tải trên địa bàn yêu cầu có phương án giảm giá cước trước ngày 10-1. Tuy nhiên, tính đến ngày 25-1, mới có 4 doanh nghiệp (DN) gửi bảng kê khai lại giá  ở một vài tuyến, số còn lại thì hoặc không ý kiến gì, hoặc chỉ gửi văn bản cho biết sẽ không thực hiện việc giảm với nhiều lý do khác nhau…

Toàn tỉnh hiện có 51 DN kinh doanh vận tải, trong đó kinh doanh taxi có 28 DN, xe khách tuyến cố định có 19 DN, xe buýt có 4 DN (một số DN kinh doanh từ 2-3 loại hình vận tải). Sở dĩ trong Công văn số 4326/STC-QLG ngày 30-12-2015 của Sở Tài chính lấy thời điểm giảm giá xăng dầu từ giữa tháng 9-2015 là vì đầu tháng 9 này, Sở đã có công văn yêu cầu các đơn vị vận tải giảm giá cước. Nội dung công văn nêu rõ: Từ giữa tháng 9 đến nay, giá xăng Ron 92 đã giảm 930 đồng/lít, dầu diesel 0,05S giảm 1.330 đồng/lít. Việc giá xăng, dầu giảm có tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường vận tải bằng ô tô nói riêng. Do đó, để góp phần ổn định giá cả thị trường, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và DN, Sở Tài chính đề nghị các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ tính toán xác định lại giá thành và thực hiện kê khai lại giá cước cho phù hợp với biến động chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào theo các quy định; thực hiện niêm yết giá và bán vé theo giá đã niêm yết. Phương án điều chỉnh, kê khai lại giá cước phải được thực hiện trước ngày 10-1-2016. Trường hợp các đơn vị không đăng ký, không kê khai giá giảm do biến động đầu vào của xăng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Không chỉ giảm như nội dung công văn đã nêu, trong tháng 1-2016, giá xăng dầu trong nước lại tiếp tục được điều chỉnh giảm 2 lần (ngày 4 và 19-1) với tổng giảm 963 đồng/lít xăng RON 92; 1.777 đồng/lít dầu diesel 0,05S. Như vậy, tính từ giữa tháng 9-2015 đến cuối tháng 1-2016, giá xăng đã giảm 1.890 đồng/lít, giá dầu diesel 0,05S giảm 3.110 đồng/lít. Tính chung giá xăng dầu giảm 10,8%. Theo ông Vũ Tiến Thát, Trưởng phòng Quản lý Giá, Sở Tài chính, với mức giảm này, DN có thể giảm tương ứng 7% giá cước vận tải. Nếu trừ đi yếu tố tăng lương vùng tối thiểu từ 2,4 lên 2,7 triệu đồng/người/tháng (vùng 3, thuộc khu vực một số huyện) và từ 2,75 lên 3,1 triệu đồng/người/tháng (vùng 2, thuộc khu vực thành phố) làm tăng thêm khoảng 2% giá cước vận tải thì DN vẫn có thể giảm được khoảng 5% giá cước so với hiện nay. Đối với loại xe chạy bằng dầu (khoảng 90% xe tải và xe khách trên địa bàn tỉnh chạy bằng dầu, 10% xe chạy xăng; còn với taxi thì xe chạy xăng chiếm đa số, chỉ một phần nhỏ chạy bằng dầu) thì có thể giảm giá cước sâu hơn. Bởi thế, việc nhiều DN lấy lý do từ 1-1-2016 phải trả lương cho người lao động cao hơn nên không thể giảm giá cước vận tải là không có cơ sở. Ngoài ra, còn có một số lý do khác được nhiều DN đưa ra để không điều chỉnh giảm giá cước là: Từ tháng 1-2016, lệ phí cầu đường, bến bãi và khoản dịch vụ ra vào bến tăng từ 5-10%; DN phải đầu tư, nâng cấp đổi mới phương tiện, chi phí về vật tư, nhân công sửa chữa tăng. Những lý do này theo ông Thát là chưa thực sự thuyết phục, bởi trên thực tế, không phải tuyến xe nào cũng bị thu phí cầu, đường và như trên địa bàn tỉnh, thì phí bến bãi chưa có chủ trương tăng…

 

Trao đổi với nhiều người dân thường xuyên sử dụng taxi và xe khách, chúng tôi cảm nhận rõ thái độ không đồng tình nhưng vẫn buộc phải chấp nhận với cách tính giá vé, giá cước của nhiều nhà xe thời gian qua. Họ cho rằng, khi xăng, dầu chỉ cần nhích lên một chút thì ngay lập tức, nhà xe đã thu tiền cao hơn. Vậy nhưng khi giá xăng, dầu giảm thì hy hữu lắm mới thấy có nhà xe giảm giá, nhưng cũng chẳng đáng là bao (không tương xứng với lúc tăng). Thậm chí có nhà xe công khai giá vé một đằng, phụ xe lại thu của khách một nẻo. Khách có thắc mắc thì hoặc không được giải thích gì, hoặc được trả lời “Đi thì đi, không đi thì thôi”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều trường hợp đăng ký giá rất nghiêm túc với Sở Tài chính và Sở Giao thông - Vận tải nhưng lại không gửi mức giá mới tại Bến xe để thực hiện. Trong khi đó, giữa các cơ quan chức năng lại không có sự trao đổi, thông tin với nhau khiến việc kê khai cứ kê khai, còn DN thực hiện hay không lại là chuyện khác. Lại có trường hợp chủ DN nghiêm túc chấp hành việc giảm giá vé như đăng ký nhưng những người làm thuê cho họ là lái xe, phụ xe thì lại không chấp hành. Điều này đồng nghĩa với việc giá xăng dầu giảm nhưng người được hưởng lợi lại không phải là hành khách, có khi cũng không phải chủ DN mà lại là lái, phụ xe. Trước thực trạng này, ông Vũ Viết Chinh, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở sẽ phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải và các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện việc thanh, kiểm tra, qua đó sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với những DN cố tính không chấp hành việc giảm giá cước hoặc giảm không tương xứng với mức giảm của xăng, dầu.

 

Được biết, ở Hà Nội, những DN không đăng ký kê khai lại giá cước, Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các bến xe trên địa bàn từ chối phục vụ (không cho vào bến xếp nốt). Các bến xe đều phải báo cáo với Sở tình hình giảm giá cước của các đơn vị; việc niêm yết các thông tin giá cước được thực hiện nghiêm túc tại quầy vé, bên trong, bên ngoài phương tiện. Lực lượng thanh tra giao thông sẽ tập trung vào nội dung này trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vận tải…