Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm nay tăng tới 1,83% so với tháng trước, tăng 2,55% so với cùng kỳ và tăng 1,84% so với tháng 12 năm trước. Bình quân quý I-2016 tăng 1,36% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 6 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong đó nhóm giao thông giảm mạnh nhất, với 3,48%; tiếp đến là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, giảm 1,66%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,42%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,1%. Có 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng là: Thuốc và dịch vụ y tế, tăng 50,03% (đóng góp khoảng 3,15 điểm % vào mức tăng của chỉ số giá chung); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,06%. 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại có mức giá tương đương tháng trước, gồm: Bưu chính viễn thông; Giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch.
Lý giải về việc CPI tăng trong tháng 3 nói riêng, quý I nói chung, theo đại diện lãnh đạo Sở Tài chính: Do Tết Nguyên đán nằm trong quý I nên nhu cầu hàng hóa, dịch vụ thường cao hơn các quý khác trong năm. Đặc biệt trong tháng 3, Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế nên đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung của tỉnh. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, kinh tế trong nước vẫn còn khó khăn, mức thu nhập trong dân cư chưa cao nên sức mua hàng hóa trên thị trường còn hạn chế. Vì thế, CPI trong quý I cơ bản chỉ biến động ở một số mặt hàng phục nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết (lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, giầy dép…), còn lại giá cả hàng hóa nhìn chung tương đối ổn định.
Đối với vàng và đô la Mỹ: Trong khi giá đô la Mỹ có mức giảm 0,18% so với tháng trước, trung bình trong tháng 3 ở mức 22.345 đồng/USD, thì giá vàng lại tăng tới 4,61%. Vàng 99,99% giá trung bình trong tháng là 3.265.000 đồng/chỉ.