Xăng dầu và gas hóa lỏng là những mặt hàng thiết yếu phục vụ hàng ngày cho đời sống xã hội. Những năm qua, việc kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền trong khối doanh nghiệp Nhà nước mà có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân đã tăng thêm tính tiện ích, sự cạnh tranh lành mạnh và tạo cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn khi dùng sản phẩm này.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 209 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tăng gần 30 cửa hàng so với năm 2010, trong đó riêng địa bàn T.P Thái Nguyên có 62 cửa hàng, số còn lại nằm rải rác tại các huyện Phú Bình, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ, Đại Từ, Võ Nhai, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công. Tính bình quân mỗi thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh có 23 cửa hàng; mỗi xã/phường/thị trấn có hơn 1 cửa hàng và cứ 16,9 km2 có một cửa hàng xăng dầu (bán kính phục vụ của một cửa hàng xăng dầu là 2,32 km).
Đối với kinh doanh mặt hàng gas hóa lỏng, do Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ (hay còn gọi là gas) hóa lỏng được quy định rộng, điều chỉnh đến hộ kinh doanh nên thời gian qua, mạng lưới kinh doanh mặt hàng này phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh mới có 380 cửa hàng kinh doanh gas hóa lỏng thì nay đã có gần 500 cửa hàng; 17 đại lý kinh doanh và 2 trạm chiết nạp gas vào chai với tổng trữ lượng 200m3/năm. Theo đó, bình quân cứ 3 cửa hàng phục vụ một xã phường, mỗi cửa hàng phục vụ trên 2 nghìn người, tương ứng với bán kính phục vụ 1,5km.
Có thể thấy, thời gian qua, mạng lưới kinh doanh xăng dầu và gas hóa lỏng trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân và nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Anh Nguyễn Thành Nam, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chưa bao giờ tôi thấy thị trường kinh doanh xăng dầu và gas hóa lỏng phát triển mạnh như thời gian qua. Với mạng lưới các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và gas khá dày trên địa bàn T.P Thái Nguyên, người dân chúng tôi có quyền lựa chọn những cửa hàng kinh doanh uy tín để mua sản phẩm.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu và gas hóa lỏng, bảo đảm công bằng và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Công Thương đã đẩy mạnh công tác quản lý về giá cả, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chứng chỉ về mặt nghiệp vụ, điều kiện cần và đủ để kinh doanh mặt hàng xăng dầu, gas hóa lỏng của các doanh nghiệp. Về phía các ngành chức năng, với những giải pháp đồng bộ cũng đang nỗ lực triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh và bình ổn thị trường xăng dầu và gas trên địa bàn. Tuy nhiên, một thực tế là hiện tại, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu và gas hóa lỏng chủ yếu vẫn tập trung tại một số khu trung tâm của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh chứ chưa được quan tâm phát triển ở các vùng nông thôn. Đây là cơ hội cho một số đối tượng kinh doanh các mặt hàng xăng dầu và gas hóa lỏng giả, kém chất lượng ở địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, vùng cao... Bà Phạm Thị Lý, một người dân ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho hay: Tôi rất muốn mua bếp gas về sử dụng vì tiết kiệm được thời gian và bảo vệ môi trường nhưng do cửa hàng kinh doanh gas ở quá xa nên tôi đành phải từ bỏ ý định này.
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, để tham gia kinh doanh mặt hàng này cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về nhân lực (qua đào tạo), đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách cửa hàng với đường giao thông, về đấu nối với đường giao thông, về an toàn phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường… Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với các quy hoạch khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông. Do đó, việc cải tạo, nâng cấp các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 11 của Bộ Công Thương là rất cần thiết. Đặc biệt, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần yêu cầu di dời, chuyển vị trí các cửa hàng đang làm ảnh hưởng tới giao thông, môi trường cũng như chú trọng phát triển các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các trạm dừng chân và gần các bến xe lớn theo quy hoạch; mở rộng thị trường kinh doanh tới vùng nông thôn...
Có thể thấy, khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu dùng chất đốt, nhiên liệu động cơ, nguyên liệu phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nên nhu cầu sử dụng gas hóa lỏng cũng tăng theo. Mặt khác với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay cho đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp, Thái Nguyên rất cần đầu tư xây dựng một số cơ sở chiết nạp và hệ thống đại lý phân phối gas hóa lỏng. Theo thông tin từ Sở Công Thương thì dự kiến đến năm 2020, tỉnh ta sẽ có 2 cơ sở chiết nạp gas được xây dựng tại Khu đô thị và công nghiệp Yên Bình, xã Sơn Cẩm (Phú Lương); nâng cấp 2 cơ sở chiết nạp khí dầu mỏ hoá lỏng hiện có tại T.P Thái Nguyên. Đây là những thông tin vui đối với người tiêu dùng. Tuy vậy, để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm, thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu, ga hóa lỏng cũng cần thực hiện kinh doanh lành mạnh và tôn trọng khách hàng.