Làm tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý thị trường

16:35, 30/06/2016

Cách đây 59 năm (ngày 3-7-1957), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 290-TTg thành lập Ban Quản lý thị trường (QLTT) Trung ương và các ban QLTT thành phố, tỉnh, khu tự trị. Ban QLTT Trung ương có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu chủ trương, chính sách QLTT, chống đầu cơ tích trữ, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách đó trong phạm vi cả nước. Các Ban QLTT thành phố, tỉnh, khu tự trị có nhiệm vụ giúp Ủy ban Hành chính địa phương chỉ đạo QLTT ở địa phương mình theo chủ chương, chính sách của Chính phủ. Trong quá trình xây dựng và phát triển, tên gọi, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ của Ban QLTT từ Trung ương đến địa phương đã được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.

Những thành tích Chi cục Quản lý thị trường đã đạt được:
- Năm 2008, 2010, 2011 được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc;
-  Năm 2009, 2010 được Ban Chỉ đạo 127 Trung ương tặng Bằng khen;
-   Năm 2011, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen
-  Năm 2012, được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc;
-  Năm 2013, được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba;
-  Năm 2014, được BCĐ 389 Trung ương tặng Bằng khen;
-  Năm 2015, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc;
  Ngoài ra, Chi cục và tổ chức Đảng, đoàn thể, nhiều cá nhân còn được các cấp, các ngành liên tục tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Cùng với lực lượng QLTT cả nước, Chi cục QLTT tỉnh được thành lập từ ngày 1-10-1997. Hiện, Chi cục QLTT là đơn vị trực thuộc Sở Công Thương có chức năng, nhiệm vụ giúp Sở quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

 

Từ khi thành lập đến nay, Chi cục QLTT tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc Sở Công Thương, UBND tỉnh, Cục QLTT, chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các ngành, các cấp ở địa phương đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM và HG) và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Đồng thời, Chi cục chủ động nắm bắt, phân tích diễn biến thị trường, xây dựng các kế hoạch, chuyên đề có tính trọng tâm, trọng điểm; tổ chức mở đợt kiểm tra cao điểm có hiệu quả; kịp thời xử lý các vấn đề nóng của thị trường liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội như: việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm…

 

Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh, Chi cục đã tham mưu giúp BCĐ về công tác tổ chức, kiểm tra phòng chống BL,GLTM và HG; kịp thời phát hiện những sai phạm, kiến nghị các giải pháp thiết thực, hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống BL,GLTM và HG trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong trinh sát, nắm bắt, kiểm tra, xử lý nhiều vụ BL,GLTM và HG, trong đó có một số vụ lớn, có tính chất nguy hại. Trong quá trình phối hợp nhiệm vụ, lực lượng QLTT luôn phát huy vai trò chủ lực trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần ổn định thị trường, duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động thương mại, dịch vụ; chống các hoạt động BL,GLTM và HG, hàng kém chất lượng và các hành vi kinh doanh trái phép khác, bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất kinh doanh hợp pháp, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và toàn xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

 

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, trước tình hình buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu có nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra kiểm soát trong các hoạt động: Chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống GLTM… trong đó quan tâm hàng đầu là công tác chống sản xuất, buôn bán, hàng nhập lậu; hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục QLTT đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 977 vụ, trong đó xử lý 910 vụ; còn lại chuyển giao hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý với tổng số tiền phạt hành chính, bán hàng tịch thu, giá trị tiêu hủy hàng hóa, chuyển giao cơ quan khác xử lý trên 3 tỷ 483 triệu đồng. Trong đó, xử lý 216 vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, bằng 163% so với cùng kỳ năm 2015; 103 vụ buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu bằng 151,4% so với cùng kỳ; 61 vụ hàng giả, bằng 135% so với cùng kỳ; 30 vụ hàng kém chất lượng…

 

Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng cuối năm, Chi cục QLTT tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp lãnh đạo Sở Công thương làm tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công thương và vai trò cơ quan thường trực Tiểu ban giúp việc BCĐ 389 tỉnh, chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc thực hiện tốt trách nhiệm cơ quan thường trực BCĐ 389 ở địa phương; tổ chức phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp trong công tác QLTT, chống BL,GLTM và HG trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, đấu tranh chống BL,GLTM và HG, hàng kém chất lượng và kinh doanh trái phép trong hoạt động thương mại. Đặc biệt, phối hợp với các ngành chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục tăng cường triển khai công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh. Không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Làm tốt công tác tham mưu giúp BCĐ 389 các cấp trong việc xử lý các vấn đề thường xuyên, đột xuất; tổ chức tốt sự phối hợp giữa các lực lượng nhằm xử lý kịp thời những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhiều ngành, cấp xảy ra trên địa bàn, góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thu hút đầu tư trong và ngoài nước.