Phát triển thị trường bán lẻ ở nông thôn

09:05, 25/10/2016

Thái Nguyên hiện có trên 1,2 triệu dân, trong đó số dân ở nông thôn, miền núi, vùng cao chiếm tới hơn 70%. 5 năm qua, bằng nhiều biện pháp thiết thực, mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ ở khu vực này đã tăng lên đáng kể nhưng vẫn đang ở mức thấp, mới chiếm tỷ trọng khoảng 30%/năm trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa của tỉnh…

Đến xã Điềm Mặc (Định Hóa) vào đúng buổi chợ phiên, chúng tôi thấy cảnh mua bán ở đây rất tấp nập. Các mặt hàng được người dân mua nhiều nhất là nông sản thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày như mì chính, nước mắm, xà phòng, dầu ăn, rau, củ, quả, bánh, kẹo, quần áo, giầy dép… Ngoài ra, một số mặt hàng như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng cũng được nhiều người tìm mua. Ông Ma Đình Tạo, một người bán hàng ở khu chợ này cho biết: Hiện nay, cuộc sống của người nông dân ở các xã vùng cao đã được cải thiện nhiều so với hàng chục năm trước. Bởi vậy nhu cầu mua sắm phục vụ cái ăn, cái mặc của bà con ngày càng tăng lên. Cả các vật dụng như ti vi, tủ lạnh, bếp ga, cũng đã được một số gia đình sử dụng. Do đó, lượng hàng hóa chúng tôi tiêu thụ trong mỗi buổi chợ phiên và cả ngày thường khá lớn.

 

Dạo một vòng quanh khu chợ của xã Điềm Mặc, chúng tôi thấy bà con ở đây rất ưa chuộng các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Chị Ma Thị Hà cho hay: Dùng dồi do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất yên tâm hơn là dùng các hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Tôi thấy một số mặt hàng của Trung Quốc như giầy, dép, quần áo… rất nhanh hỏng và có mùi khó chịu.

 

Không chỉ riêng ở Điềm Mặc mà ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng cao trong tỉnh, sức mua hàng hóa và ý thức lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng của người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt. Đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện được hiệu ứng tích cực của các đợt đưa hàng Việt Nam về nông thôn; chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tổ chức thời gian qua.

 

Có thể thấy, những kết quả đạt được là rất khả quan. Tuy nhiên, một thực tế là hiện tại mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao vẫn chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 30%/năm) trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ toàn tỉnh. Mức lưu chuyển bình quân đầu người ở khu vực nông thôn hiện mới đạt gần 8 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng/năm so với năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với khu vực đô thị của tỉnh (ở khu vực đô thị là trên 47 triệu đồng/năm). Đặc biệt, sự chênh lệch khoảng cách về sức mua và nhu cầu có khả năng thanh toán ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao còn thấp, có sự chênh lệch lớn với khu vực thành phố (chỉ bằng 45% khu vực thành phố). Do đó, phát triển thị trường bán lẻ ở khu vực nông thôn, miền núi đang là một yêu cầu đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng của tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện được nhiệm vụ này, trước hết, tỉnh nên khuyến khích phát triển đầy đủ, mạnh mẽ và đồng bộ các thành phần kinh tế, dần dần hình thành các cụm kinh tế thương mại, dịch vụ có quy mô và trình độ khác nhau ở khu vực nông thôn. Cùng với đó là thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ và trực tiếp giữa thương nghiệp với sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hộ gia đình nông dân. Qua đó sẽ giải quyết căn bản yêu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn nông thôn.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển thu mua hàng nông sản thực phẩm và phục vụ tốt mặt hàng chính sách xã hội cho miền núi, vùng cao trong tỉnh cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhận bán hàng đại lý cho các công ty lớn, tổng công ty… Đặc biệt, để doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà quản lý trong việc giúp họ xây dựng hệ thống phân phối qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn. 

 

Bà Nông Thị Hậu, xóm Nhâu, xã Liên Minh (Võ Nhai) cho rằng: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc đang bày bán tràn lan trên thị trường nông thôn, miền núi. Do đó, người dân chúng tôi rất mong các nhà quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Để phát triển mạnh mẽ thị trường bán lẻ ở nông thôn, một yêu cầu nữa cần đặt ra là các doanh nghiệp, một mặt quan tâm sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với thị hiếu của người dân nông thôn, miền núi, vùng cao; mặt khác cũng phải làm tốt hơn nữa việc quảng bá sản phẩm để tạo niêm tin cho người nông dân…