Giá thực phẩm dần ổn định sau Tết

17:04, 02/02/2017

Ngay từ 29-1 (tức mùng 2 Tết Đinh Dậu), tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu bán hàng thực phẩm, hoa quả và rau củ phục vụ nhu cầu của khách hàng với giá cả đắt hơn so với trong Tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cả các loại thực phẩm đã dần ổn định.

Nhiều năm gần đây, người dân đã không còn thói quen tích trữ nhiều thực phẩm để nấu nướng trong mấy ngày Tết. Vì vậy, từ mùng 2 Tết, các quầy hàng rau, củ, quả tại các chợ đầu mối và cả chợ “cóc” đã bán rải rác. Dạo quanh một số chợ chính trên địa bàn T.P Thái Nguyên như: Đồng Quang, Thái, Túc Duyên, Sư phạm... vào lúc 7 giờ, chúng tôi thấy không khí mua bán thực phẩm cả trong chợ và dọc hai bên đường trở nên nhộn nhịp. Nhiều ô tô, xe máy chở hàng hoa quả, rau củ và thịt được chuyển đến. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt hàng được bày bán và khách mua nhiều hơn cả vẫn là rau xanh vì ra Tết, nhiều gia đình làm lẩu nên rau xanh là món không thể thiếu trong thực đơn. Các loại rau củ quả có giá cả cụ thể: cà chua, bắp cải, su hào là 8.000 đồng/kg; xà lách 15.000 đồng/kg; cải ngồng 18.000 đồng/kg; cà rốt 10.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng so với trong Tết), măng tươi 20.000 đồng/kg, nấm sò 50.000 đồng/kg... Bà Nguyễn Thị Vinh, tiểu thương bán rau tại chợ Thái cho biết: Đến thời điểm này, giá rau đã ổn định hơn so với mấy ngày trước và bằng với giá rau trong Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây rau phát triển tốt, nguồn cung dồi dào nên chúng tôi không bị khan hiếm nguồn hàng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Châu, phường Gia Sàng chia sẻ: Tôi thấy, giá rau hôm nay khá ổn định, không còn đắt như hôm mùng 3 Tết, các loại rất đa dạng, phong phú.

 

Bên cạnh mặt hàng rau xanh, các loại cá cũng có giá ổn định, không tăng so với trong Tết. Cụ thể: cá trắm giá 70.000 đồng/kg; cá rô phi có giá dao động từ 35-50.000 đồng/kg (tùy con to, nhỏ); cá chép 65.000 đồng/kg, ngao 18.000 đồng/kg... Riêng đối với các loại thịt bò, xương sườn lợn thì có giá tăng hơn hẳn (khoảng 20%) so với ngày thường. Chẳng hạn, thịt bò có giá dao động từ 220-250.000 đồng/kg (tùy loại); xương sườn lợn có giá từ 100-110.000 đồng/kg; thịt lợn (ba chỉ, mông, vai) có giá 80.000 đồng/kg... Chị Nguyễn Thị Tuyền, tiểu thương tại chợ Đồng Quang cho hay: Sở dĩ xương sườn lợn có giá cao như vậy vì ra Tết người dân mua thịt ít, mua xương nhiều nên chúng tôi buộc phải đẩy giá xương sườn lên cao hơn ngày thường để bù vào phần thịt không bán được.

 

Ra Tết cũng là thời điểm người dân đi lễ, chùa nhiều nên các loại quả cũng không thể thiếu trong mâm lễ. Tuy nhiên, giá các loại quả cũng đều tăng hơn khoảng 20% so với ngày thường. Cụ thể: xoài thái 75.000 đồng/kg; xoài thường 30.000 đồng/kg; cam loại 1 là 25.000 đồng/kg; dưa hấu 20.000 đồng/kg; thanh long 45.000 đồng/kg... Các tiểu thương cho biết, đa phần các loại hoa quả đều được nhập ở miền Nam nên ra Tết cước vận chuyển tăng hơn, vì vậy giá bán đến tay người tiêu dùng cũng tăng.

 

Còn tại các siêu thị, các loại thực phẩm thiết yếu như: nước mắm, dầu ăn, mì chính, mì gói... được người dân mua vãn hẳn những ngày trước Tết thì nay cũng đã được nhân viên bày ngay ngắn lên các kệ hàng, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách hàng. Chị Lê Thị Liên, Quản lý siêu thị Thành Đô cho biết: Do có sự chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng ngay từ trước Tết Nguyên đán nên sau Tết, siêu thị chúng tôi luôn đảm bảo không bị khan hiếm nguồn hàng.

 

Thực phẩm là nguồn thức ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình. Vì vậy, giá cả thực phẩm đang dần trở lại ổn định sau Tết là niềm vui đối với các bà nội trợ vì tiết kiệm thêm được một khoản chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc, để bữa ăn thêm trọn vị, người tiêu dùng nên chủ động chọn mua những thực phẩm an toàn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.