Người dân miền núi ngày càng tin dùng hàng Việt

11:03, 29/05/2017

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2009 đến nay, huyện Định Hóa đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức nhiều phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” tại các xã, thị trấn. Thông qua các phiên chợ này đã giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các loại hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, từ đó tạo thói quen sử dụng hàng Việt trong đông đảo người dân nông thôn miền núi.

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 8 km, chợ phiên Quy Kỳ là nơi hội họp, giao lưu buôn bán của đông đảo người dân xã Quy Kỳ và các địa phương lân cận. Mặc dù chỉ là chợ phiên miền núi song quy mô chợ khá lớn với trên 50 gian hàng các loại. Điều khiến chúng tôi vui mừng là hầu hết các loại hàng hóa bày bán ở đây đều là những sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, với chủng loại và mẫu mã khá đa dạng. Từ các mặt hàng thời trang, may mặc, giày dép đến đồ gia dụng, hàng điện tử… đều là hàng Việt Nam.

 

Bà Ma Thị Tính, chủ một cửa hàng tạp hóa tại chợ Quy Kỳ cho biết: Vài năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các loại hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất vì mẫu mã ngày càng đa dạng, chất lượng đảm bảo mà giá cả lại phù hợp với túi tiền của người dân miền núi. Cửa hàng của gia đình tôi hiện có trên 80% hàng hóa là do Việt Nam sản xuất hoặc liên doanh sản xuất tại Việt Nam như: Quạt Điện Cơ, bánh kẹo Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, chăn ga Sông Hồng…

 

Đang loay hoay chọn mua chiếc quạt điện cho gia đình mình, ông Triệu Văn Hoàng, xóm Đồng Hẩu, xã Quy Kỳ chia sẻ: Trước đây, hầu hết đồ dùng sinh hoạt trong gia đình tôi như: quạt điện, máy bơm nước, quần áo, thậm chí cả xe máy… đều là hàng của Trung Quốc. Tôi lựa chọn hàng Trung Quốc vì giá rẻ, phù hợp với túi tiền nhưng sau một thời gian sử dụng thấy nhanh hỏng, chất lượng không được tốt. Gần đây, qua tìm hiểu, thấy mẫu mã các sản phẩm hàng Việt Nam khá đẹp, chất lượng được nâng lên, giá lại rẻ nên tôi quyết định chuyển sang dùng các sản phẩm trong nước sản xuất. Hiện nay, gần như toàn bộ đồ dùng sinh hoạt trong gia đình tôi đều là hàng “Made in Việt Nam”. 

 

Khảo sát tại một số cửa hàng bán lẻ ở các chợ nông thôn trên địa bàn huyện Định Hóa như: Chợ Chu; Lam Vỹ; Tân Thịnh, Quán Vuông, Phú Tiến, Bình Thành… chúng tôi thấy hầu hết các sản phẩm hàng hóa bày bán đều là hàng Việt Nam với tỷ lệ chiếm khoảng trên 80%. Nhìn chung, các sản phẩm trong nước đều đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua sắm và hợp túi tiền của đông đảo người dân. Trong đó, dễ dàng nhận thấy các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, may mặc và một số sản phẩm cơ khí, công nghiệp…đang chiếm ưu thế vượt trội. Qua tìm hiểu được biết, trước đây, người dân Định Hóa thường không chuộng hàng Việt vì chất lượng còn hạn chế, giá lại cao. Bên cạnh đó, đời sống của người dân còn khó khăn nên khi ra chợ mua sắm đa số họ chỉ quan tâm đến đắt hay rẻ chứ chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp, các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” được tổ chức tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, người dân đã có điều kiện được tiếp cận với nguồn hàng hóa chất lượng cao do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, với giá cả phù hợp. Người dân có các thông tin cơ bản để đánh giá, so sánh chất lượng, giá cả của các mặt hàng Việt Nam với các mặt hàng ngoại nhập đang được bày bán trên thị trường. Chính vì vậy, các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” được nhân dân hưởng ứng rất tích cực thể hiện qua việc đông đảo bà con tham quan, mua sắm. Thông qua các phiên chợ, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều hơn.

 

Không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng Việt, phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” còn là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa nghiên cứu mở rộng thị trường, xây dựng các đại lý phân phối sản phẩm tại các vùng nông thôn. Ông Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên tại Thái Nguyên cho biết: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất và phân phối các mặt hàng đồ gia dụng như: bếp gas, xoong nồi, thiết bị vệ sinh… Sau khi tham gia phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại xã Đồng Thịnh (Định Hóa) năm 2015, chúng tôi nhận thấy đây là một thị trường đầy tiềm năng nên đã xây dựng đại lý bán lẻ ngay tại trung tâm xã và phát triển rất thuận lợi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm cửa hàng phân phối sản phẩm tại một số xã khác trên địa bàn huyện.

 

Có thể thấy rằng, việc hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường đã phần nào cho thấy sự vươn lên lớn mạnh của các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng để hàng hoá trong nước khẳng định vị thế và thúc đẩy sản xuất phát triển, từ đó góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện miền núi Định Hóa.