Những ngày giáp Tết Nguyên đán, thời tiết rét đậm, rét hại nhưng dòng người đổ về chợ Đại Từ (nằm trên địa phận thị trấn Hùng Sơn) mua sắm hàng hóa đông gấp 2, 3 lần ngày thường. Để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết, các tư thương cũng đã nhập nhiều mặt hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng.
Chị Chu Thị Lập, một người dân ở xóm 7, xã Bình Thuân cho biết: Các chủ loại mặt hàng rất phong phú từ bánh, mứt, kẹo đến miến dong, bột canh, nước mắm, nấm hương, mục nhĩ, lá dong, gạo nếp… Điều đáng nói là giá cả các mặt hàng không biến động so với ngày thường. Đơn cử như 1kg miến dong Việt Cường tôi mua mới giá 90.000 đồng; giá 1 kg chè búp khô cũng chỉ dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng; giá 1kg măng khô trên 200.000 đồng; giá 1kg nấm hương là 220.000 đồng/kg…
Dạo quanh một vòng các quầy bán hàng ở Chợ Đại Từ, chúng tôi nhận thấy các loại nhu yếu phẩm cần thiết có xuất xứ từ Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng hơn cả. Chị Đào Thị Hạnh, một người dân ở xóm Chùa, xã Khôi Kỳ nói: Tôi rất thích các loại bánh kẹo do Việt Nam sản xuất, nhất là các loại bánh kẹo do Công ty CP Thực phẩm Hữu Nghị sản xuất vì chất lượng tốt mà giá cả phải chăng, phù hợp với người dân nông thôn như chúng tôi.
Ngoài sản phẩm của Hữu Nghị, các loại bánh kẹo của Công ty CP Bibica cũng được nhiều người săn lùng. Bà Triệu Thị Việt, một tiểu thương chuyên kinh doanh ở chợ Đại Từ cho hay: Người tiêu dùng ngày càng thông thái, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều người đã tẩy chay các loại bánh kẹo không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và chỉ mua sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Khi mua hàng, mọi người đều rất cẩn thận, thường xem ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì. Nếu sản phẩm nào quá hạn sử dụng, họ dứt khoát không mua. Tương tự, tư thương chúng tôi cũng rất thận trọng khi nhập các lô hàng, đều kiểm tra hạn sử dụng in trên bao bì, nhằm tránh cung cấp sản phẩm quá hạn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc cho người tiêu dùng.
Cùng với các mặt hàng bánh, mứt kẹo…, người dân ở các xã có truyền thống trồng rau xanh vụ đông cũng hối hả mang một số mặt hàng nông sản do họ sản xuất ra chợ bán như: su hào, bắp cải, cà rốt, súp lơ xanh, xà lạch, rau mùi, gà thả vươn... Theo chia sẻ của chị Lăng Thị Liên, xóm 7, xã Bình Thuận, năm nay, các loại rau xanh cho năng suất cao, chất lượng tốt và giá bán cao hơn khoảng 20% so với thời điểm này năm ngoái. Lượng người mua hàng nông sản rất đông, mang ra chợ bao nhiêu, hết bấy nhiêu.
Không riêng gì rau xanh, các loại hoa, cây cảnh “made in” Đại Từ (được trồng chủ yếu ở thị trấn Hùng Sơn và Bình Thuận) cũng được bày bán khắp nơi. Hiếm năm nào, hoa tươi bán được giá như năm nay. Nếu như năm ngoái, người dân phấp phỏng lo âu vì hoa nở trước Tết Nguyên đán cả tháng và phải bán với giá rất rẻ thì năm nay, giá bán các loại hoa đều cao gấp ba, bốn lần. Trung bình, mỗi bông hoa cúc được bán với giá từ 5.000 đến 8.000 đồng; hoa ly bán với giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/cành… Chị Nguyễn Thị Xuân, một hộ trồng hoa ở tổ dân phố 14, thị trấn Hùng Sơn nói: Năm nay, thời tiết rất thuận lợi cho việc trồng hoa nên các loại hoa đều khoe sắc đúng dịp Tết, đều bông. Còn giá bán cao hơn rất nhiều so với dịp này năm trước là do nhiều hộ thu hẹp diện tích, không dám trồng ồ ạt như năm ngoái nên nguồn cung không vượt quá cầu.
Tương tự như ở Chợ Đại Từ, tại các chợ nhỏ lẻ, các khu vực trung tâm các xã; các cửa hàng bán tạp hóa trên địa bàn huyện, hàng hóa cũng được bày bán khá phong phú, giá bán ổn định và lượng người mua đã tăng lên. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng đang lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong ngày Tết. Chị Hà Thị Phòng, một người dân ở xóm Tiến Thịnh, xã Yên Lãng chia sẻ: Vẫn còn nhiều nông dân vì lợi ích kinh tế đã sử dụng quá liều các loại thuốc kích thích tăng trưởng bón cho rau, củ, quả… Dịp Tết năm ngoái, tôi đã bị tiêu chảy cả tuần do ăn phải rau xanh còn tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, nguy cơ người tiêu dùng chúng tôi mua phải thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh vẫn có thể tiếp diễn bởi ý thức của không ít hộ sản xuất nông nghiệp chưa cao.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, các cấp, ngành chức năng của huyện Đại Từ và đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường huyện nên tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhu cầu cao trong dịp Tết, xử lý nghiêm những hành vi gian lận để lành mạnh hóa thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết. Về phía người tiêu dùng, cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác và thận trọng trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc, nên chọn hàng hóa có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng…