Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước được ưa chuộng

10:08, 02/02/2018

Khoảng nửa tháng nay, những mặt hàng trang trí Tết được bày bán ngập tràn dọc các tuyến đường trung tâm T.P Thái Nguyên. Cùng với các mặt hàng trang trí của nước ngoài, các sản phẩm có nguồn gốc trong nước cũng không kém phần đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngày càng có nhiều có cửa hàng bán đồ trang trí Tết có nguồn gốc Việt  Nam. Đáng nói, có những cửa hàng chiếm đến 90% là sản phẩm trong nước. Đơn cử như cửa hàng hoa lụa, nghệ thuật Đức Quân (đường Hoàng Văn Thụ). Theo anh Nguyễn Đức Quân, chủ cửa hàng: Hiện nay, cũng như nhiều mặt hàng khác, người tiêu dùng có xu hướng thích các sản phẩm trong nước hơn hàng Trung Quốc. Chính vì thế, khoảng 3 năm trở lại đây, các mặt hàng trang trí Tết của cửa hàng chúng tôi chiếm đến 90% có nguồn gốc nội địa. Cụ thể như đèn lồng vải được làm thủ công tại T.P Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) và Hội An (tỉnh Quảng Nam), các loại túi, bao bì giấy đựng quà Tết được sản xuất tại các tỉnh Nam Định, Bắc Giang; tranh Đông Hồ, tranh treo, dán tường được lấy từ các làng nghề của T.P Bắc Ninh và Hà Nội… Qua quan sát, chúng tôi thấy các đồ trang trí Tết của Việt Nam có họa tiết và màu sắc khá đẹp mắt trong khi giá cũng phải chăng. Thậm chí có sản phẩm rẻ hơn từ 5%-10% so với các sản phẩm cùng loại như hoa lụa trang trí của Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội; các túi giấy, bao bì đựng quà Tết, các loại phong bao lì xì.

Chị Lê Thị Trang, ở tổ 11, phường Cam Giá cho biết: Càng ngày tôi thấy các mặt hàng trang trí Tết sản xuất trong nước ngày càng đẹp hơn. Nổi bật có các sản phẩm như đèn lồng, đèn kéo quân, tranh thêu trang trí. Đặc biệt, các mặt hàng trang trí trong nước thường in các họa tiết thể hiện nét văn hóa ngày Tết cổ truyền như bánh chưng, câu đối đỏ, dưa hành… tạo nên nét độc đáo so với những sản phẩm nước ngoài.

Tại các cửa hàng bán đồ trang trí Tết khác như cửa hàng Toàn Thắng, Hòa Phát (đường Lương Ngọc Quyến), Nam Thành, Thu Huyền (đường Hoàng Văn Thụ) các mặt hàng Tết có nguồn gốc Việt Nam cũng ngày càng được bán nhiều, tăng gấp 1,5-2 lần so với mọi năm. Anh Phạm Văn Hợp, chủ cửa hàng Hòa Phát chia sẻ: Hiện nay, người dân không chỉ thích hàng Việt mà còn có xu hướng lựa chọn các sản phẩm được làm thủ công trong nước. Tết năm nay thay vì bán các chậu hoa cảnh của Trung Quốc, Thái Lan, cửa hàng đã nhập về hơn 400 chậu mai, đào được làm thủ công tại các làng nghề Bắc Ninh, Nam Định. Trung bình mỗi chậu có giá bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo kích thước.

Ngoài các mặt hàng trên, thị trường gốm sứ Việt Nam cũng đang “nóng” dần vào những ngày cuối năm. Chị Nguyễn Thu Hương, chủ một cửa hàng gốm sứ trên đường Hoàng Ngân cho biết: Dịp cuối năm, người dân mua nhiều các vật dụng bằng gốm sứ như: đĩa, chén, bát, bình cắm hoa và các đồ thờ như lư hương, hũ đựng vôi… Các sản phẩm này phần lớn gắn liền với các thương hiệu quen thuộc như gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương), Thanh Hà (Hội An, QuảngNam).  Còn tại cửa hàn bán đồ gốm Bát Tràng nằm trên đường Bắc Sơn (Thái Nguyên), chúng tôi thấy có cả các loại tranh trang trí bằng gốm sứ như như tứ quý, tùng trúc, tứ bình… cũng đang được nhập về để bán trong dịp Tết. Đây cũng là mặt hàng bán chạy vào dịp cuối năm. Hiện tại, các mặt hàng gốm sứ của Việt Nam không có nhiều biến động về giá, tùy chất liệu và theo kích cỡ các sản phẩm có giá khác nhau. Như bình cắm hoa có giá trung bình từ 70.000-400.000 đồng/bình, ấm chén có giá từ 200.000-600.000 đồng/bộ, các loại tranh có giá từ 1 triệu -10 triệu đồng/bộ…

Có thể thấy nếu trước đây, các mặt hàng trang trí Tết trong nước thường vẫn bị “lép vế” so với hàng của Trung Quốc thì hiện nay các mặt hàng của nước ta đang dần có chỗ đứng trên thị trường. Việc người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đã tạo động lực khoog nhỏ để các cơ sở có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.