Thời gian gần đây, mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, nhưng tình trạng này vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các chợ nông thôn, miền núi. Thị trường này đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái tung hoành. Nguyên nhân một phần do nhận thức của người dân còn hạn chế; mặt khác do điều kiện kinh tế khó khăn nên không ít người dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chấp nhận mua và sử dụng.
Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường huyện Định Hóa đã phát hiện và xử lý 36 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường (giảm 7 vụ so với cùng kỳ). Trong đó, có 7 vụ hàng giả; 3 vụ hàng nhập lậu; 5 vụ vi phạm nhãn mác hàng hóa; 13 vụ vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... Xử phạt, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 82 triệu đồng. |
Cùng với sự phát triển của thị trường, hiện nay, hàng hóa tại các chợ nông thôn, miền núi ngày càng phong phú, đa dạng với đủ chủng loại khác nhau từ bánh kẹo, giày dép, quần áo, gia vị thực phẩm... đến những vật dụng thiết yếu trong gia đình. Qua khảo sát tại một số chợ phiên trên địa bàn huyện Định Hóa như: Bảo Cường, Đồng Thịnh, Tân Thịnh, Bộc Nhiêu, Điềm Mặc... chúng tôi thấy rằng, hàng hóa được bày bán chủ yếu là hàng Việt Nam với tỷ lệ chiếm từ 70-80%. Nhìn chung, các sản phẩm sản xuất trong nước được dân nông thôn, miền núi quan tâm và mua sắm khá nhiều do chất lượng tốt mà giá cả lại phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm chính hãng như: Bóng đèn Điện Quang, quạt Điện cơ 91, bánh kẹo của các hãng Hữu Nghị, Hải Hà, Kinh Đô, cà phê Trung Nguyên, chăn sông Hồng Hồng… thì hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ hoặc nhái các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Tại chợ Điềm Mặc, chúng tôi không khó để nhận ra nhiều mặt hàng bị làm giả, làm nhái nhưng vẫn được bày bán công khai như: Dầu gội Sunsilek (nhái Sunsilk); nước rửa bát Sunlighter (nhái Sunlight); bột giặt Tise (nhái Tide); bếp gas Ruinai (nhái Rinnai của Nhật Bản)... Ngoài ra, các mặt hàng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng) như: Mì chính, giấy vệ sinh, gia vị, đường, mỹ phẩm... cũng xuất hiện khá phổ biến.
Tương tự tại chợ Đồng Thịnh, các mặt hàng chăn, ga, gối đệm có dán mác Hàn Quốc được bày bán từng đống tại những “siêu thị mặt đất” với đủ chủng loại, kích cỡ. Một bộ chăn, ga hiệu Eveton (nhái thương hiệu Everon) có giá chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng; bộ chăn ga nhãn hiệu Hacovic giá 400.000 đồng. Không chỉ có vậy, tại đây, mặt hàng áo quần áo và đồ chơi trẻ em chủ yếu là hàng Trung Quốc và giá bán cũng siêu rẻ.
Ghé vào một của hàng tạp hóa giữa trung tâm chợ, chúng tôi bắt gặp chị Ma Thị Lan, xóm Phú Ninh, xã Phú Đình đang chọn mua bánh kẹo, cầm trên tay hai gói bánh giống nhau đều mang thương hiệu Hải Hà, tuy nhiên một gói có giá 30.000 đồng (hàng thật) còn gói kia giá chỉ bằng 2/3 (hàng nhái). Đắn đo một lúc, chị Lan chọn mua gói bánh kẹo Hải Hà với giá 20.000 đồng. Khi được hỏi vì sao lại mua loại này, chị Lan cho biết: “Hai gói giống nhau như đúc, gói nào rẻ thì tôi mua thôi. Mua loại đắt làm gì cho tốn kém”. Chứng kiến cảnh mua bán tại cửa hàng tạp hóa này, chúng tôi thấy người dân hầu như chẳng mấy quan tâm đến nơi sản xuất, hạn sử dụng hay chất lượng hàng hóa như thế nào. Câu đầu tiên họ hỏi đều là giá cả thế nào?
Thực tế hiện nay, nhiều người dân sống ở các vùng nông thôn, miền núi của huyện Định Hóa vẫn có thói quen chỉ quan tâm đến giá cả và nhìn qua nhãn hiệu sản phẩm khi mua hàng, chứ không tìm hiểu kỹ xuất xứ, nhà sản xuất, dẫn đến việc mua phải hàng giả, hàng nhái. Lợi dụng thói quen, tâm lý tiêu dùng này, hàng giả, hàng nhái có cơ hội tung hoành trên thị trường nông thôn, từ những mặt hàng có giá trị thấp như bánh kẹo, nước giải khát, giấy vệ sinh… đến hàng có giá trị cao như đồ gia dụng, vật tư nông nghiệp... Đã có không ít người dân vì tham rẻ nên đã mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng như trường hợp của chị Lưu Thị Hà, xóm Thẩm Dọc, xã Điềm Mặc là một ví dụ điển hình: Cách đây vài tháng, chị đến một cửa hàng vật tư nông nghiệp lưu động tại chợ trung tâm xã để mua thuốc trừ sâu. Nghe người bán hàng giới thiệu về một loại thuốc trừ sâu mới giá rẻ nên chị đã mua ngay về để phun cho 5 sào lúa. Nào ngờ khi phun xong, sâu bệnh không chết mà lại phát triển mạnh hơn. Khi mang vỏ chai thuốc trừ sâu đến hỏi cán bộ nông nghiệp xã thì chị mới biết đó là chai thuốc trừ sâu giả. Hậu quả là 5 sào lúa của gia đình chị bị sâu bệnh gây hại nặng dẫn đến năng suất bị giảm mất gần 1 nửa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Lợi, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện Định Hóa cho biết: Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái tại các chợ nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế. Điều kiện kinh tế khó khăn nên điều bà con quan tâm hàng đầu khi mua hàng chính là giá cả. Chỉ cần sản phẩm có sự chênh lệch thì họ sẽ ưu tiên chọn hàng rẻ hơn mà ít để ý đến chất lượng hay nhãn mác, thương hiệu. Mặt khác, do các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu hủy hàng, xử phạt hành chính nên chưa có tác dụng thiết thực trong việc hạn chế tình trạng vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái...
Có thể thấy, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng “tấn công”các chợ nông thôn, miền núi đang ở mức báo động. Để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thật sự có hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng cần không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; thiết lập kênh phân phối, bán lẻ để cung ứng hàng hóa tới tận tay người tiêu khu vực nông thôn với giá bán hợp lý, phù hợp thu nhập của người dân nơi đây. Từ đó, hàng Việt “xịn” mới có thể từng bước xây dựng lòng tin và chiếm lĩnh thị trường nông thôn một cách bền vững.