Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế quốc tế, nền sản xuất trong nước đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Tuy nhiên, đi liền với hội nhập chính là hàng nội địa phải chịu nhiều sức ép từ hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt ngày càng tràn lan cũng khiến không ít sản phẩm trong nước giảm uy tín với người tiêu dùng. Làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt? Đó là câu hỏi đã và đang đặt ra cho không chỉ các nhà sản xuất, kinh doanh hàng nội địa hiện nay, mà cả cho người tiêu dùng...
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, hàng ngoại ngày càng có xu hướng xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa, biểu hiện rõ nhất đó chính là tỷ lệ ngày càng tăng hàng ngoại xuất hiện trên các quầy, kệ của các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh cũng như các cơ sở, đại lý bán lẻ. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân chính là do sự phát triển của các kênh phân phối hàng ngoại xuất hiện trên thị trường, chủ yếu là nguồn gốc từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đặc biệt, năm 2018 được dự báo với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực hiện, nhiều dòng thuế về 0% sẽ góp phần tạo cơ hội cũng như “sức ép” với hàng nội. Do vậy, nếu các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trong nước không nâng cao chất lượng, giá cả hợp lý, hợp tác tốt với nhau để cùng phát triển thì việc “thua ngay trên sân nhà” hiện hữu trong tương lai gần.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Để đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng thì cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Trung tâm luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giới thiệu nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng, tích cực thực hiện Chương trình “Đưa hàng Việt về miền núi”, điểm bán hàng Việt Nam và tuyên truyền, quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm hàng Việt Nam.
Được biết, năm 2017, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã phối hợp tổ chức 4 phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi” tại 4 huyện: Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai và Phú Bình với khoảng 35 gian hàng của trên 20 đơn vị, doanh nghiệp. Trung tâm cũng tăng cường hoạt động giới thiệu, kết nối sản phẩm tại show room trưng bày và bán hàng Việt Nam chất lượng cao. Qua hơn 1 năm đi vào hoạt động, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” do Trung tâm quản lý bước đầu đã tạo sự tin tưởng về chất lượng của sản phẩm đối với khách hàng đến tham quan, mua sắm. Hiện số lượng sản phẩm tại gian trưng bày đã lên đến gần 1.000 mặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, trong đó có các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá doanh nghiệp, sản phẩm hàng Việt Nam được triển khai rộng rãi trên các trang thông tin của Sở Công Thương (Website, Bản tin kinh tế công thương), sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ và người tiêu dùng dễ tiếp cận với sản phẩm.
Bên canh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thì theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, để một sản phẩm có được sức cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận thì yếu tố chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu. Anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hùng Thái, có trụ sở tại thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho biết: Để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi đã phát triển đa dạng các loại sản phẩm. Cùng với đó là dây chuyền máy móc được đầu tư tương đối hoàn thiện với khoảng 20 loại máy khác nhau. Hiện, chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình, qua đó, hạn chế các loại sản phẩm cùng loại nhưng kém chất lượng, trà trộn trên thị trường. Đến nay, sản phẩm của đơn vị đã có mặt tại nhiều hệ thống trên cả nước, trực tiếp cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong nước và ngoại nhập.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, năng lực và chất lượng sản phẩm Việt đã có nhiều thay đổi tích cực, bằng chứng là hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường “khó tính” ngày càng nhiều. Các sản phẩm may mặc, giày dép… đã có mặt rộng rãi tại các thị trường trong và ngoài nước. Lợi dụng uy tín đó của hàng Việt, hiện nay đã xuất hiện tình trạng hàng nước ngoài phải gắn mác Việt Nam để tiêu thụ. Thực trạng đó khiến hàng Việt không chỉ cạnh tranh về chất lượng, mà còn phải đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Ông Tạ Đình Dũng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường T.P Thái Nguyên cho biết: Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam như bột giặt, mì chính, phân bón, mỹ phẩm… Các phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi đã gây khá nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Do vậy, từ nhiều năm nay, chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất để nghiên cứu, phân tích hàng hóa, tìm ra các đặc điểm nhận dạng đặc trưng của sản phẩm để từ đó khuyến cáo với người tiêu dùng, giúp họ phân biệt được hàng thật với hàng giả, hàng nhái, quan trọng nhất là bảo vệ sản xuất cho những doanh nghiệp chân chính…
Có thể thấy, cùng với tâm lý ưu tiên lựa chọn hàng Việt của khách hàng, các cơ sở sản xuất đã chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm của mình thông qua việc cải tiến kỹ thuật, ứng dụng máy móc vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu… Cơ quan chức năng cũng quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ hàng Việt. Hy vọng với những nỗ lực đó, sản phẩm nội địa tiếp tục khẳng định được vị thế, được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa.