Những năm gần đây, cùng với việc phát huy thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện Phú Lương còn chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có và kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Phú Lương là huyện miền núi, có tuyến Quốc lộ 3 chạy qua địa bàn 7 xã, thị trấn (Cổ Lũng, Giang Tiên, Phấn Mễ, Đu, Động Đạt, Yên Đổ, Yên Ninh) với tổng chiều dài khoảng 30km. Huyện cũng có tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) chạy qua 4 xã (Vô Tranh, Tức Tranh, Phú Đô, Yên Lạc) với chiều dài khoảng 10km. Ngoài ra, mạng lưới giao thông nối liền các xã, thị trấn trong huyện đang từng bước được hoàn thiện. Cùng với đó, sản xuất nông, lâm nghiệp ngày càng phát triển, số lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngày càng nhiều, góp phần quan trọng vào việc tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Vì vậy sức mua hàng hóa trên địa bàn ngày một tăng cao... Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ ở huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 3.600 cơ sở cá thể (tăng gần 300 cơ sở so với năm 2015) và trên 150 doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2017 đạt gần 1.160 tỷ đồng (tăng trên 200 tỷ đồng so với năm 2015). Toàn huyện có 1 chợ hạng II và 11 chợ hạng III, trong đó các chợ: Đu, Giang Tiên, Phấn Mễ họp tất cả các ngày trong tháng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hơn 30 điểm kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Mặc dù chưa có trung tâm thương mại nhưng cửa hàng tự chọn xuất hiện ngày càng nhiều ở địa bàn thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên và xã Cổ Lũng. Không chỉ có vậy, các tuyến vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường bộ như: tuyến xe bus của Công ty CP Hà Lan chạy từ T.P Thái Nguyên đi Định Hóa, qua địa bàn huyện; các hãng taxi: Phú Lương Sao, Phú Lương, Bình An... đã góp phần đáng kể phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.
Bà Phan Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Để phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn, huyện đã xây dựng và đang thực hiện Đề án "Tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ huyện Phú Lương giai đoạn 2016-2020". Mục tiêu mà Đề án hướng tới là: Đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 1.820 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 14%/năm; đến năm 2020, các chợ nông thôn cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; xuất khẩu các sản phẩm có thế mạnh như: chè, gỗ, may mặc, khoáng sản... Trên cơ sở đó, huyện đang tập trung thực hiện các nội dung: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; tổ chức quản lý và điều hành các chợ sao cho hiệu quả... Theo đó, UBND huyện luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính bằng việc tinh giản các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thuê đất, ưa đãi về thuế cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tổ chức cho các DN và làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại, Liên hoan Trà, Lễ hội Đền Đuổm... Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tranh thủ các nguồn lực để xây mới 2 chợ, cải tạo, nâng cấp 9 chợ với tổng kinh phí trên 17,4 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn chú trọng xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông theo kế hoạch vöën hùçng nùm.
Khi hạ tầng thương mại phát triển, nhất là sự xuất hiện của các siêu thị điện máy, cửa hàng tự chọn dọc trục Quốc lộ 3, không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân mà còn làm cho diện mạo ở đô thị và vùng nông thôn thêm đẹp đẽ hơn. Người dân cũng được tiếp cận các loại mặt hàng dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Thúy, ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý chia sẻ: Những năm gần đây, khi giao thông phát triển, việc lưu thông hàng hóa ngày càng trở nên thuận tiện. Hầu hết các loại mặt hàng đều đã được phân phối về tận trung tâm các xã, thị trấn. Đặc biệt, sự xuất hiện của các siêu thị, cửa hàng, đại lý lớn, bày bán đầy đủ các mặt hàng đã giúp người dân không còn phải di chuyển quãng đường xa 20-30km về T.P Thái Nguyên để chọn mua hàng hóa như trước đây nữa.
Hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển đã góp phần tạo việc làm cho một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn huyện. Theo khảo sát, mỗi cơ sở cá thể, các DN hoạt động trong lĩnh vực này đã tạo việc làm cho 3 đến trên 30 lao động vào làm việc với mức thu nhập từ 3,5 đến 7-8 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ Trung tâm mua sắm Thái Dương (xóm 9, xã Cổ Lũng) chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi mở cửa hàng kinh doanh lương thực. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, giao thông phát triển, đời sống kinh tế của bà con được nâng lên, nhu cầu mua sắm hàng hóa ngày càng cao. Nắm bắt thời cơ, gia đình tôi đã đầu tư mở cửa hàng mua sắm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong xã. Chúng tôi lúc nào cũng thuê từ 3 đến 4 lao động vào làm việc, thời gian cao điểm trên 10 người, vào làm việc tại cửa hàng với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.
So với các huyện, thành, thị trong tỉnh, DN, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở Phú Lương chưa nhiều, song đã đóng góp một phần đáng kể vào thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Theo kết quả thống kê của Chi cục thuế Phú Lương, năm 2017, tổng ngân sách trên địa bàn huyện đạt 96,2 tỷ đồng, trong đó các DN, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 44,6 tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng thu ngân sách toàn huyện đạt trên 24,4 tỷ đồng, trong đó các DN, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực này đóng góp trên 12,5 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước...