Thị trường nội thất: Hàng Việt được ưu tiên lựa chọn

14:15, 28/06/2018

Dạo qua các cửa hàng kinh doanh nội thất trên địa bàn T.P Thái Nguyên, chúng tôi thấy các mặt hàng sản xuất trong nước được bày bán khá nhiều. Với mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, nhiều người đã tin dùng dòng sản phẩm này.

Có thể thấy, các sản phẩm nội thất của Việt Nam dù có thị phần tiêu thụ còn khiêm tốn nhưng hiện nay đã bắt đầu chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Thái Nguyên. Điều này dễ thấy khi các mặt hàng của thương hiệu Việt Nam như Danh Mộc, Minh Phát, Hoàng Nam, Incomtech được bày bán nhiều tại các cửa hàng kinh doanh nội thất. Tại Siêu thị Toka trên đường Thống Nhất, chị Nguyễn Thúy Nhàn, nhân viên Siêu thị nói: 2 năm trở lại đây chúng tôi đã nhập khoảng 50% mặt hàng sản xuất trong nước để bán cùng sản phẩm của Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, siêu thị còn mở thêm một cửa hàng làm đại lý riêng cho dòng sản phẩm nội thất nhựa của Việt Nam - Incomtech. Cửa hàng này hiện bán trên 60 sản phẩm nội thất của Việt Nam.
Khảo sát tại một số cửa hàng khác trong trung tâm T.P Thái Nguyên, như cửa hàng Hoàng Liên (đường Lương Ngọc Quyến), Trung Sỹ (đường Hoàng Văn Thụ)… chúng tôi thấy các mặt hàng của Việt Nam cũng bán khá chạy. Trung bình mỗi ngày, các cửa hàng bán ra thị trường từ 10-15 sản phẩm (tăng 5-10% so với trước đây). Đang mùa hè như hiện nay, các mặt hàng như phục vụ cho năm học mới như bàn học sinh, tủ sách… bán khá chạy.

Chị Lê Thị Hằng, ở tổ 10, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) đang lựa chọn mua bàn học của Việt Nam  tại Showroom nội thất Big Star (đường Cách mạng Tháng Tám) chia sẻ: Từng sử dụng các sản phẩm nội thất trong nước nên tôi khá yên tâm và hài lòng về chất lượng cũng như mẫu mã. Ví như chỉ một chiếc bàn học sinh nhỏ cũng đã có rất nhiều kiểu dáng, màu sắc, họa tiết khác nhau giúp cho cha mẹ có nhiều lựa chọn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, nội thất của các thương hiệu Việt được bày bán trên thị trường chủ yếu vẫn là các mặt hàng ở mức trung bình khá trở xuống. Giá của các sản phẩm này thấp hơn so với nội thất nhập khẩu. Ví như tủ quần áo, giường ngủ trong nước có giá dao động từ 3-10 triệu đồng/chiếc, tùy theo kích thước, kiểu dáng còn đối với mặt hàng Đài Loan giá dao động từ 7-20 triệu đồng/chiếc (đắt hơn 2-3 lần). Do đó, các mặt hàng nội thất Việt Nam hiện nay đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn, nhất là đối với tầng lớp bình dân.

Đối với mặt hàng nội thất Việt Nam cao cấp được bày bán nhiều trên thị trường chủ yếu là của thương hiệu gỗ Đồng Kỵ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một cửa hàng kinh doanh nội thất gỗ Đồng Kỵ tại phường Tân Thịnh, T.P Thái Nguyên cho biết: Do được làm từ gỗ quý hiếm như gụ, hương, sưa, lim nên bề mặt gỗ min, ít biến dạng cộng với các họa tiết thiết kế được trạm khắc hoặc khảm đá kỳ công và tinh xảo nên nhiều người vẫn yêu thích, dù cho giá bán còn cao. Ngoài nội thất gỗ Đồng Kỵ, nội thất được sản xuất tại các làng nghề mộc mỹ nghệ trong tỉnh như Làng nghề Phú Lâm, Nga My, Xuân Phương (Phú Bình); Giã Trung (T.X Phổ Yên) có mẫu mã, kiểu dáng giống Làng nghề Đồng Kỵ cũng được nhiều nhiều lựa chọn. Hiện nay, các làng nghề này có trên 250 hộ sản xuất, kinh doanh, trung bình mỗi năm bán ra thị trường trên 31 nghìn sản phẩm. Có nhiều sản phẩm sản xuất bằng gỗ cao cấp, được bán ra ở khắp tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Malaysia, Lào.

Có thể khẳng định, nội thất trong nước đang dần có chỗ đứng trên sân nhà, tuy nhiên các sản phẩm chất lượng cao chưa nhiều, và vấn đề quảng bá thương hiệu vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng. Vì thế, thời gian tới, các cơ sở sản xuất nội thất trong và ngoài tỉnh cần phải quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng quảng bá thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối; mở rộng ứng dụng công nghệ trong sản xuất để giảm giá thành tăng sức cạnh tranh …