Vừa qua, Sở Công Thương đã phối hợp với Ủy ban MTTQ và UBND một số huyện, thành, thị tổ chức thành công Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp năm 2018 tại 5 địa phương trong tỉnh. Với nhiều đổi mới từ cách thức tổ chức cho tới hàng hóa bày bán, Chương trình năm nay tiếp tục đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của đông đảo người dân.
Lựa chọn địa điểm tổ chức tại 5 địa phương là Đồng Hỷ, T.P Thái Nguyên, Đại Từ, T.P Sông Công và T.X Phổ Yên, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp năm 2018 đã thu hút trên 20.000 lượt khách hàng đến tham quan mua sắm. Với khoảng 30-35 gian hàng mỗi phiên chợ, các mặt hàng được bày bán rất phong phú về chủng loại, từ những mặt hàng gia dụng, giống cây trồng đến sản phẩm công nghệ cao như thiết bị viễn thông. Chị Ma Thị Hằng, Giám đốc HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng (Định Hóa) chia sẻ: Qua phiên chợ, chúng tôi hy vọng các sản phẩm của HTX đến với nhiều khách hàng khu vực nông thôn. Đây là một dịp tốt để chúng tôi mở rộng, khai thác thị trường tiềm năng. Sau Chương trình này, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm để có thể đặt đại lý tại một số điểm người dân có nhu cầu lớn.
Không chỉ đưa hàng Việt đến khu vực nông thôn, miền núi, điểm mới của Chương trình năm nay là mở rộng phạm vi giới thiệu hàng Việt tới khu công nghiệp, nơi tập trung đông đối tượng người tiêu dùng là công nhân. Điều này lý giải vì sao 1 trong 5 Chương trình được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa, thể thao T.P Sông Công, vị trí gần Khu công nghiệp Sông Công với nhiều doanh nghiệp và đông người lao động. Chị Phạm Ngọc Hà, công nhân Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chi nhánh Sông Công cho biết: Do đặc thù công việc nên chúng tôi có rất ít thời gian mua sắm. Biết thông tin về Chương trình nên tôi đã đến tham quan và mua thử 1 số sản phẩm như: quần áo, bột giặt, nước tẩy rửa… Tôi thấy hàng hóa khá đa dạng, giá phải chăng, nguồn gốc rõ ràng, lại có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng được xem là một trong những điểm nhấn của Chương trình năm nay. Khoảng 70 suất quà trị giá gần 50 triệu đồng tại mỗi buổi khai mạc được trao cho các hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh nghèo vươn lên học giỏi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Tổ chức Chương trình, cho biết: Với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, Chương trình được tổ chức với mong muốn hàng Việt sẽ chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng, ngày càng được lựa chọn nhiều hơn. Để đạt được mục tiêu này, Ban Tổ chức đã tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu về hàng hóa và thu nhập của từng vùng, từ đó tiến hành mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp. Các doanh nghiệp tham gia phiên chợ cũng được hỗ trợ về chi phí đăng ký, lắp đặt gian hàng, vận chuyển hàng hóa, điện nước, vệ sinh, an ninh… Thực tế cho thấy, các phiên chợ đều đạt được thành công nhất định, góp phần từng bước thay đổi thói quen, nhận thức về sử dụng hàng hóa trong nước của người dân, đồng thời, giúp hàng Việt khẳng định được vị trí trên thị trường.
Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp đã để lại không ít dấu ấn trong lòng người tiêu dùng và chính Ban Tổ chức cũng như doanh nghiệp tham gia. Ngoài những đánh giá tích cực, tại các phiên chợ cũng ghi nhận một số ý kiến đóng góp của người dân như: cần tăng cường hơn nữa các gian hàng nông cụ, giống cây trồng mới, đặc biệt là các loại cây lương thực với năng suất, chất lượng cao, các loại vật tư, phân bón… để phù hợp hơn với nhu cầu người tiêu dùng tại các khu vực nông thôn, miền núi; bổ sung thêm 1 số gian hàng bán thực phẩm chín, hoa quả Việt để phục vụ người dân sử dụng khi đến tham quan, mua sắm hay đa dạng hơn các gian hàng thời trang, may mặc… Điều này cho thấy, người tiêu dùng đã thực sự quan tâm và mong muốn được đáp ứng thêm nhiều dịch vụ tốt hơn từ Chương trình lần sau.