Với mục tiêu trở thành thị trấn trước năm 2020, những năm qua, cùng với sản xuất nông nghiệp, xã Điềm Thụy (Phú Bình) đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân phát triển thương mại, dịch vụ (TMDV), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Xã Điềm Thụy có Quốc lộ 37 và 2 tuyến tỉnh lộ 261, 266 đi qua; xã cách trung tâm huyện Phú Bình 7km, T.P Sông Công hơn 3km và T.P Thái Nguyên 17km. Với vị trí thuận lợi như vậy, trên địa bàn xã đã được quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp Điềm Thụy và khu công nghiệp Điềm Thụy, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 30 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ổn định; trên 600 cơ sở sản xuất kinh doanh TMDV, công nghiệp vận tải (tăng trên 200 cơ sở so với năm 2014) với các ngành nghề: dịch vụ ăn uống, nghỉ trọ; thuốc tân dược, gia công cơ khí; thu mua nông - lâm sản; vật liệu xây dựng; điện tử, viễn thông; dịch vụ tổng hợp… Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Trung bình mỗi năm có trên 400 lao động địa phương được tạo việc làm mới; hiện tỷ lệ người trong độ tuổi và có khả năng lao động có việc làm đạt 95%. Điều này cũng góp phần đưa cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ (hiện tỷ trọng này là 48%).
Nhằm phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sản xuất, kinh doanh lành mạnh, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đảng bộ xã Điềm Thụy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó phát huy thế mạnh về giao thông, vị trí địa lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, xã cũng chú trọng công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng kinh doanh để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân mở rộng đầu tư phát triển TMDV; cùng với đó, thông qua các tổ chức hội đoàn thể liên kết với các ngân hàng tạo điều kiện cho bà con nhân dân, tư thương, bà con vay vốn; tăng cường tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về luật kinh doanh, thương mại; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; cách nhận biết, phòng chống hàng giả, kém chất lượng; khuyến khích các tiểu thương kinh doanh những mặt hàng, sản phẩm Nhà nước khuyến khích…
Anh Dương Văn Tuyến, ở xóm Chợ Hanh cho biết: Nhà tôi nằm sát Quốc lộ 37 nên tôi mở cửa hàng kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật… để phục vụ nhu cầu người dân. Những năm gần đây, đường sá được đầu tư xây dựng nâng cấp đảm bảo thuận tiện, kinh tế phát triển nên nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân cũng tăng. Việc buôn bán của gia đình tôi vì thế cũng ổn định hơn.
Bên cạnh việc đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận dễ dàng với các cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực TMDV thì xã cũng quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội… Qua đó giúp cho các cơ sở hoạt động ổn định, yên tâm kinh doanh. Cụ thể, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 50 hộ dân xây nhà trọ kinh doanh. Do có nhiều công nhân ở nơi khác đến thuê trọ nên khá phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng công an xã đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực hiện tốt công tác quản lý nhân khẩu. Vì vậy, tình hình an ninh trật tự được giữ ổn định. Bà Dương Thị Hường, chủ một khu nhà trọ ở xóm Trung 2 cho biết: Gia đình tôi có hơn 10 phòng trọ. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, nhất là lực lượng công an xã, tình hình an ninh trật tự ở khu trọ của gia đình tôi và khu vực xung quanh rất tốt. Vì thế, công nhân thuê trọ đều yên tâm và gắn bó với chúng tôi suốt hơn 4 năm qua.
Có thể thấy rằng, việc phát triển TMDV đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Điềm Thụy phát triển, tạo việc làm có thu nhập cao, ổn định cho lao động địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 40,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,69%. Với những kết quả đã đạt được, theo ông Dương Minh Soát, Chủ tịch UBND xã, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động TMDV, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế để đưa TMDV trở thành động lực thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng của người dân, đồng thời đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo đà để tăng cường liên doanh, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, kết nối với các địa phương khác trong vùng.