Từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm

08:00, 01/08/2018

Với niềm say mê, yêu nghề cùng mong muốn tạo ra những sản phẩm thuần Việt có chất lượng, anh Dương Như Tuyên - chủ Cơ sở sản xuất giày dép da Tuyên Liên, ở tổ dân phố Cầu Sắt, phường Bách Quang (T.P Sông Công) đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó, bước đầu xây dựng được thương hiệu riêng.

Có mặt tại Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp năm 2018” được tổ chức mới đây, Cơ sở sản xuất giày dép da Tuyên Liên với 100% sản phẩm đều là hàng Việt Nam chất lượng cao thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Như Tuyên, chủ Cơ sở cho biết: Cơ sở của chúng tôi được thành lập cách đây 10 năm. 5 năm trở lại đây, tôi đều mang sản phẩm đến trưng bày tại các Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” do Sở Công Thương tổ chức. Mục tiêu mà chúng tôi hướng đến đó là giới thiệu đến người dân những sản phẩm do chính cơ sở sản xuất với chất lượng, giá cả phù hợp.

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, Cơ sở của anh Dương Như Tuyên hiện thực hiện toàn bộ các khâu sản xuất, ngoại trừ phần đế giày được nhập từ một số làng nghề làm giày dép da ở Hà Nội, Hải Phòng. Theo anh Tuyên, thế mạnh của các sản phẩm do cơ sở của anh sản xuất chính là độ bền cao, thân giày và đế giày được đóng vít chắc chắn chứ không chỉ dán keo như cách làm thông thường, giá cả hợp lý do chủ động được các khâu sản xuất. Thêm vào đó, phần lớn các sản phẩm đều là da thật, phổ biến nhất là da trâu, bò, đà điểu... Gặp chúng tôi khi đang tìm mua sản phẩm tại Cơ sở giày dép Tuyên Liên, anh Lương Đình Tùng, phường Tân Quang (T.P Sông Công), cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, tôi thường chọn mua giày dép tại đây do kiểu dáng phù hợp, giày lại rất bền, càng đi lại càng êm do da mềm và ôm chân. Hơn nữa, giá cả lại phù hợp với túi tiền, với khoảng 600.000-700.000 đồng là tôi đã có được một đôi giày ưng ý, trong khi đó với chất liệu đó có thể trên 1 triệu đồng/đôi nếu mua ở nơi khác.

Bí quyết để cơ sở đến gần hơn với người tiêu dùng đó chính là việc không ngừng đổi mới mẫu mã, kiểu dáng cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Theo đó, anh đã thuê người thiết kế thử một số mẫu giày theo ý tưởng của mình và bất ngờ khi những sản phẩm mới được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn hẳn so với những mẫu cũ. Do vậy, đến nay, trung bình mỗi năm, cơ sở của anh Tuyên cho ra thị trường khoảng 3-4 mẫu mới, phù hợp với xu hướng từng năm. Ngoài thuê thiết kế, anh Tuyên cũng tự mày mò vẽ mẫu nhằm tiết kiệm chi phí. Nhằm nâng cao năng suất, hạn chế dần việc sản xuất thủ công, đến nay Cơ sở Tuyên Liên đã đầu tư nhiều trang thiết bị, mua dây chuyền sản xuất bán công nghiệp, có thêm máy móc phụ trợ như máy khâu, máy chặt, máy ép, lò sấy… Nhờ đó, năng suất hiện đã tăng gấp 3-4 lần so với làm thủ công. Trung bình mỗi tháng, Cơ sở sản xuất được khoảng 1.200 sản phẩm giày dép da các loại. Theo đó, giày loại thường, kiểu đơn giản giá bán lẻ từ 350.000-400.000 đồng/đôi; loại mẫu phức tạp hơn có giá 600.000-800.000 đồng/đôi, các mẫu khách đặt thiết kế có giá từ 1 triệu đồng trở lên.

Ngoài làm giày công sở nam, nữ, cơ sở còn thiết kế thêm một số loại dép da, xăng đan, ví da, dây lưng… Doanh thu của cơ sở hiện đạt khoảng trên 1 tỷ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 5 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Từ chỗ chỉ cung cấp sản phẩm tại địa phương, đến nay, các sản phẩm của anh Dương Như Tuyên đã có mặt tại nhiều tỉnh thành lân cận như: Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Dương… Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm cũng là một cách khiến các sản phẩm của Cơ sở đến gần hơn với người tiêu dùng. Hiện tại, các sản phẩm của Cơ sở sản xuất giày dép Tuyên Liên đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận mã số, đồng thời, Cơ sở cũng đã đăng ký quyền tác giả với Logo mang nhãn hiệu T&L do Cục bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chứng nhận.

Trên thực tế, Cơ sở sản xuất giày dép Tuyên Liên chưa phải là lớn so với nhiều cơ sở khác trên địa bàn, thế nhưng với cách làm bài bản, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng, tích cực tiếp cận, mở rộng thị trường thì đây là một mô hình sản xuất đáng học hỏi. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu cho các sản phẩm Việt với chất lượng cao, giá cả hợp lý và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.