Tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng hàng Việt Nam

13:47, 26/09/2018

Sau 2 năm đi vào hoạt động, điểm bán hàng Việt Nam của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã thu hút được hơn 21.000 lượt khách tới tham quan, mua sắm. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhiều người dân Thái Nguyên đã tiếp cận được với các mặt hàng sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng. 

Có mặt tại điểm bán hàng Việt Nam của Trung tâm Xúc tiến thương mại ở số 366/1 đường Bắc Kạn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) vào một ngày tháng 9, chúng tôi rất ấn tượng khi các mặt hàng ở đây phong phú và đa dạng cả về chủng loại và mẫu mã. Ấn tượng nhất vẫn là các mặt hàng được xem là đặc sản của tỉnh như miến dong Việt Cường, gạo Bao thai Định Hóa, gạo nếp cái Hoa vàng (Phú Lương), nấm linh chi sừng hươu của Công ty  TNHH Công Nghệ Sinh Học Phú Gia (Hùng Sơn - Đại Từ), mì gạo Đại Từ, chè búp khô của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tương nếp Úc Kỳ (Phú Bình)…

Không chỉ bày bán các mặt hàng “made in Thái Nguyên”, điểm bán hàng này còn bày bán nhiều mặt hàng thiết yếu khác, có nguồn gốc, xuất xứ trong nước, như: Chè Atiso Đà Lạt, cà phê Đăk Lăk; gạo Hải Hậu; mỳ Chũ Bắc Giang; nước mắm truyền thống mang thương hiệu Hải Quân do Xí nghiệp Tàu đánh các công ích - Bộ Quốc phòng sản xuất; nước mắm 584 Nha Trang...

Không chỉ bày bán các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống có nguồn gốc trong nước, điểm bán hàng này còn trưng bày các mẫu sản phẩm của một số doanh nghiệp trong tỉnh như Gang - thép TISCO (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên); mẫu quặng vonfram của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo; tranh đá quý của Công ty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân; quần áo thời trang của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG…

Chỉ trong chừng một giờ đồng hồ dừng chân tại điểm bán hàng này, chúng tôi thấy hàng chục lượt khách đến mua sắm hàng hóa. Chị Nguyễn Như Quỳnh, tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), cho biết: “Tôi đến đây mua các mặt hàng nông sản được coi là “đặc sản” của tỉnh; các mặt hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, tôi rất yên tâm, không lo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng mà giá cả lại phải chăng.” Còn chị Nguyễn Thu Huyền, hàng xóm của chị Quỳnh thì cho rằng: Tại đây có bán những sản phẩm “độc” mà nhiều nơi khác không có như nước giặt, nước rửa bát hữu cơ…

Hai năm nay, lượng khách hàng tìm đến đây mua sắm ngày càng tăng. Bởi vậy, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mới đây, Trung tâm đã mở rộng thêm gần 100m2 nữa, nâng tổng diện tích khu bán hàng lên trên 200 m2 để bày bán các loại sản phẩm. Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho hay: Hiện nay, chúng tôi đang bày bán khoảng 1.000 mặt hàng sản xuất trong nước. Điều khiến chúng tôi hài lòng nhất là nơi này đã trở thành địa điểm cung cấp hàng hóa được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng. Từ đó góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt quảng bá, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và giúp người tiêu dùng được tư vấn, giới thiệu, mua được sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, góp phần hình thành thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Không chỉ bán hàng cho người tiêu dùng, điểm bán hàng Việt Nam của Trung tâm đã còn trở thành nơi tìm kiếm khách hàng tiềm năng để liên kết, hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, mở rộng thị trường, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam bền vững.

Với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Công Thương tiến tới nhân rộng, xây dựng trên địa bàn mỗi huyện, thành, thị trong tỉnh có ít nhất 1 điểm bán hàng Việt Nam. Cùng với đó, để nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất trong tỉnh, Trung tâm Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục việc tổ chức đoàn đi quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các chương trình hội chợ, hội thảo trong và ngoài nước. Đồng thời, giới thiệu và bán trực tiếp sản phẩm của các doanh nghiệp trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh…