Góp phần lành mạnh thị trường dịp Tết

11:07, 13/01/2020

Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân tăng cao, đây cũng là cơ hội để các đối tượng trà trộn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm “bẩn” để thu lợi bất chính. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp - PTNT  đã và đang triển khai kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nguồn hàng cung ứng nhằm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân năm 2020.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng và thường bùng phát mạnh vào những dịp lễ, Tết. Trên địa bàn huyện Phú Lương hiện có trên 1.400 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Trong năm 2019, huyện đã kiểm tra được 299 cơ sở, phát hiện 15 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu như: Người tiếp xúc với thực phẩm không có bảo hộ lao động theo quy định; không niêm yết giá hàng hóa công khai tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định… Huyện đã xử phạt 6 cơ sở với số tiền 9,7 triệu đồng, nhắc nhở 9 cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về ATVSTP trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, cụ thể: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, đa phần mới chỉ nhận thức ở mức độ đơn giản những quy định của Nhà nước về ATTP, điều kiện vệ sinh của các cơ sở chưa đảm bảo, lựa chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc để chế biến, kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng rau, quả nhiễm hóa chất độc hại, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản còn dư lượng kháng sinh, hóc môn tăng trưởng và việc sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm vẫn còn; tỷ lệ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm tra, giám sát đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y còn thấp… 

Tại huyện Phú Bình, trong năm 2019, huyện đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 87/2.200 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: Không thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định; điều kiện trang thiết bị dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng… Tuy nhiên, huyện cũng mới chỉ xử phạt hành chính 20 cơ sở với tổng số tiền là 21,6 triệu đồng; các cơ sở còn lại chỉ nhắc nhở chứ không xử lý. Như vậy, có thể thấy, huyện đã vào cuộc trong công tác kiểm tra ATVSTP nhưng chưa quyết liệt, sau khi kiểm tra phát hiện vi phạm chủ yếu nhắc nhở, ký cam kết, việc xử phạt rất ít và chưa mang tính răn đe cao.

Trước thực trạng trên, từ ngày 20/12/2019 đến 15/3/2020, Sở Nông nghiệp - PTNT đã triển khai kế hoạch đảm bảo ATVSTP  trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm soát việc việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2020. Đồng thời, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như: Thịt và các sản phẩm từ thịt; rau, củ, quả và các sản phẩm từ rau, củ, quả; bánh chưng và các mặt hàng nông sản khác. 

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, đối tượng mà Sở tập trung thanh, kiểm tra trong dịp này là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Về nội dung kiểm tra gồm: Công tác triển khai đảm bảo ATVSTP dịp Tết và lễ hội Xuân; đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSTP; hoạt động của các mô hình điểm ATTP, chuỗi thực phẩm an toàn tại các địa phương… Cùng với đó, chúng tôi sẽ chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống để loại bỏ những mặt hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Sơn Hà, Chi cục Trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng lồng ghép tuyên truyền các nội dung như: Văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp; tuyên truyền đối với các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, đối với các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và phải tuân thủ đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định; tuyên truyền về các điều kiện bảo quản thịt và các sản phẩm từ rau, củ, quả, bánh chưng… Khi phát hiện các cơ sở vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định, không để các sản phẩm không bảo đảm ATVSTP, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Thời điểm này, tại các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh, lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết đã khá dồi dào và đa dạng. Nhiều gia đình đã bắt đầu mua thực phẩm, hàng hóa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Để đảm bảo ATVSTP, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên mua thực phẩm có đầy đủ nhãn mác ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng tại các địa chỉ có uy tín.