Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, những ngày qua, giá thịt lợn liên tục có nhiều biến động và tăng cao đột biến. Trước tình hình trên, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2020, các ngành chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, giá thịt lợn liên tục tăng khiến người tiêu dùng lo lắng. Chị Nguyễn Thị Duyên, ở tổ 2, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Nếu như trước đây, chỉ với 100 nghìn đồng, tôi có thể lên thực đơn một bữa ăn cho cả gia đình 4 người gồm các món: Thịt lợn, đậu, rau, canh cua... thì nay, mỗi bữa ăn của gia đình tôi phải tăng thêm từ 20 đến 30 nghìn đồng. Giá thịt lợn tăng khiến tiền đi chợ hằng ngày của gia đình cũng tăng theo.
Thịt lợn tăng giá không chỉ khiến các bà nội trợ lo lắng mà các tiểu thương, các đơn vị kinh doanh thịt lợn cũng gặp không ít khó khăn do mức tiêu thụ chậm. Tại chợ Thái (T.P Thái Nguyên), quầy hàng của chị Nguyễn Thị Nga có mức tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất chợ, khoảng 6 con lợn, tương đương 7 tạ thịt mỗi ngày. Tuy nhiên, từ khi giá thịt tăng gần 90 nghìn đồng/kg đã đẩy giá thịt lợn bán lẻ lên 160 nghìn đồng/kg thì số lợn thịt mỗi ngày chỉ còn từ 2-3 con. Chị Nga cho biết: Do thịt lợn đắt nên người tiêu dùng đã hạn chế sử dụng và thay thế bằng các thực phẩm khác như thịt gà, cá… Do vậy, việc kinh doanh của chúng tôi càng thêm khó khăn.
Trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao trong cả nước, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nông nghiệp - PTNT phối hợp với doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt lợn. Đồng thời, giao Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế để đảm bảo giá sản phẩm nhập khẩu, không chỉ trong mà còn sau dịp Tết Nguyên đán 2020. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp - PTNT cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương, cơ quan thú y kiểm tra xác nhận điều kiện an toàn sinh học, hỗ trợ cho các gia trại, trang trại, doanh nghiệp nhanh chóng tái đàn, phát triển đàn lợn để góp phần bù đắp thịt lợn thiếu hụt dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2020. Đồng thời, đề nghị tổ chức sản xuất, chăn nuôi, bình ổn giá lợn; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung, giá mặt hàng thịt lợn để người sản xuất, người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường.
Với sự vào cuộc của ngành chức năng, trong những ngày gần đây, phản hồi của thị trường đã có những dấu hiệu tích cực, giá lợn hơi bắt đầu giảm nhẹ. Là đơn vị liên kết chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên đã có 2 lần giảm giá, mỗi lần giảm 1.000 đồng/kg và hiện giá lợn hơi tại các trang trại của Công ty là 83 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, tại một số chợ đầu mối trên địa bàn T.P Thái Nguyên, giá lợn cũng đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Cụ thể, tính đến ngày 2-1, thịt ba chỉ có giá 140 nghìn đồng/kg; thịt mông 130 nghìn đồng; sườn có giá 130 nghìn đồng/kg; thịt nạc vai có giá 140 nghìn đồng/kg, giảm từ 20-30 nghìn đồng/kg so với thời điểm trung tuần tháng 12.
Có thể khẳng định, thị trường thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung nên người tiêu dùng không nên hoang mang, lo lắng. Còn đối với người chăn nuôi, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch thì nên xuất bán những lứa lợn đã đến tuổi thịt để vừa tránh rủi ro, vừa đảm bảo hiệu quả chăn nuôi bền vững.