Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân

09:49, 19/02/2020

Sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp. Điều này đã khiến không ít người đi mua một số mặt hàng thiết yếu tích trữ. Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan chức năng, việc làm này là không cần thiết…  

Cùng tham gia đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và một số đầu mối cung ứng gạo trên địa bàn tỉnh do Sở Công Thương chủ trì (từ ngày 11 đến 14-2), điều mà chúng tôi dễ nhận thấy là lượng hàng hóa bày bán rất đa dạng, phong phú, giá ổn định. Chỉ duy nhất mặt hàng rau xanh là có sự biến động đáng kể về giá bán do ảnh hưởng của đợt mưa đá vào 2 ngày 30 và mùng 1 Tết. Tuy nhiên, hiện giá các loại rau cũng đang có sự ổn định trở lại. 

Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Quản lý bán hàng Siêu thị Minh Cầu, đường Minh Cầu, T.P Thái Nguyên: Nếu như từ mùng 8 đến 15 tháng Giêng trên địa bàn tỉnh có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ đối với một số mặt hàng như mì tôm, mì gạo, thực phẩm đông lạnh... khiến có thời điểm hết hàng thì khoảng 10 ngày gần đây đã không còn hiện tượng này, do người dân đã ổn định về tâm lý. Tuy nhiên, có một điểm khác trong việc mua sắm của nhiều người thời điểm này là lượng hàng hóa cho mỗi lần đi mua tăng đáng kể so với trước, do người dân hạn chế việc đến nơi đông người. Cùng với đó, số người chọn mua qua hình thức online cũng tăng đáng kể, gấp 2-3 lần so với trước khi có dịch COVID-19...

Còn theo bà Bùi Thị Thu Thủy, Giám đốc B’Mart Đại Từ: Từ cuối tuần qua (tức 15-2 ) trở lại đây, thời tiết ấm lên, không còn mưa rét, nồm ẩm nên lượng người đến siêu thị tăng khoảng 50% so với những ngày trước đó. Hiện, trung bình mỗi ngày, siêu thị xuất khoảng 250-300 hóa đơn. Tuy nhiên, trung bình mỗi đơn hàng khách cũng chỉ mua khoảng 200 nghìn đồng (tương đương với những ngày bình thường), chủ yếu là thực phẩm để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Cũng theo bà Thủy, để phòng nhu cầu người dân mua tăng đột biến đối với một số mặt hàng như một số ngày sau Tết, đơn vị đã có kế hoạch chuẩn bị một lượng hàng đáng kể và tiếp tục việc ký kết với nhà cung cấp để đảm bảo các mặt hàng không bị thiếu hay tăng giá. 

Còn tại chợ truyền thống, theo phản ánh của các tiểu thương, ngoài mì tôm, mì gạo và đồ hộp là những mặt hàng được bán nhiều trong những ngày vừa qua thì các mặt hàng khác cơ bản đều có mức tiêu thụ chậm hơn, do lượng người đi chợ giảm rõ rệt, đặc biệt là những chợ gần khu vực có đông sinh viên sinh sống, do các trường học cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng, chống dịch. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân cũng hạn chế việc liên hoan, cưới hỏi, mừng thọ; các nhà hàng vắng khách… cũng khiến sức mua của người dân tại các chợ giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Qua kiểm tra, khảo sát đối với một số siêu thị, doanh nghiệp có lượng cung ứng hàng hóa lớn trên địa bàn có thể thấy, các đơn vị này đều có nguồn cung ổn định, hợp đồng dài hạn và  phương án dự phòng trong các trường hợp thị trường có biến động về nhu cầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn đề nghị các đơn vị này cần bám sát thị trường, dự báo nhu cầu trong nhân dân để kịp thời cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm và tăng giá hàng hóa.

Có thể thấy, việc tích trữ hàng hóa đối với một số mặt hàng thiết yếu của một bộ phận người dân trong thời gian vừa qua là điều không cần thiết và ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường, tạo ra sự khan hiếm ?o, gây tâm lý lo lắng cho người dân và khiến cơ quan chức năng thêm vất vả trong việc bình ổn thị trường. Chính vì thế, trước mỗi thông tin người dân cần bình tĩnh nhìn nhận, phân tích để không có những hành động, việc làm không cần thiết.