Do trùng với Tết Nguyên đán nên sức mua hàng hóa của người dân trong tháng 1 tăng cao. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh trong tháng qua ước đạt 3.724 tỷ đồng, tăng tới 14,3% so với cùng kỳ (do tháng 1-2019 không trùng với tháng có Tết Nguyên đán).
Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 176 tỷ đồng; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 3.527 tỷ đồng; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 21,2 tỷ đồng. Nếu phân theo ngành kinh tế, nhóm ngành thương nghiệp bán lẻ chiếm tỷ trọng 77,6%; nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống ước chiếm gần 11,3%; nhóm dịch vụ tiêu dùng còn lại ước chiếm 12,3%; nhóm du lịch lữ hành chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chưa đến 0,01%.
Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1, hầu hết các nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao trên 13% so với cùng kỳ là: Lương thực, thực phẩm ước đạt 970 tỷ đồng; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 328 tỷ đồng; nhóm xăng, dầu các loại ước đạt 322 tỷ đồng; nhóm ô tô các loại đạt 303 tỷ đồng; nhóm hàng may mặc ước đạt 238 tỷ đồng; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 148 tỷ đồng; nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy ước đạt 80,3 tỷ đồng; nhóm hàng hóa khác đạt 210 tỷ đồng...
Đối với doanh thu hoạt động dịch vụ trong tháng 1 ước đạt 434,5 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Khu vực Nhà nước ước chiếm 1,7%; khu vực ngoài nhà nước chiếm 95,9%; còn lại 2,4% là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.