Thực hiện cam kết với Chính phủ, từ ngày 1-4, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước đã đưa giá lợn hơi xuống mức 70 nghìn đồng/kg. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng tin rằng giá thịt lợn tại các chợ, siêu thị cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại một số trang trại cũng như chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, giá thịt lợn vẫn tiếp tục “neo” ở mức cao.
Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh giảm giá thịt lợn từ 75 nghìn đồng/kg xuống còn 70 nghìn đồng/kg (từ ngày 1-4), đến thời điểm này, giá thịt lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi CP - Chi nhánh Thái Nguyên vẫn chưa có gì thay đổi. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Phụ Hải, Giám đốc Công ty Công ty cổ phần chăn nuôi CP - Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện cam kết với Chính phủ, Công ty chúng tôi vẫn giữ nguyên mức giá bán từ đầu tháng 4 tới nay, mặc dù các trang trại chăn nuôi tư nhân có bán cao hơn từ 5-7 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, số lượng lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi CP - Chi nhánh Thái Nguyên cung ứng trên địa bàn tỉnh mỗi ngày chỉ trung bình 100 con, số lượng chưa phải là nhiều nên chưa đủ sức chi phối, điều tiết giá thịt lợn trên thị trường. Khảo sát tại các trang trại chăn nuôi tư nhân, từ ngày 1-4, giá thịt lợn có giảm được vài giá nhưng đến ngày 8-4 lại bật tăng lên mức từ 78-80 nghìn đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại lợn ở xóm 11, xã Tân Linh (Đại Từ) cho biết: Hiện nay, giá lợn hơi tại trang trại của gia đình tôi được thương lái trả ở mức 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, đàn lợn nhà tôi vẫn chưa đạt trọng lượng theo yêu cầu nên dù giá cao nhưng tôi vẫn chưa xuất bán mà để nuôi cho lợn đạt tầm 1 tạ/con mới bán.
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên bán lợn hơi với mức giá 70 nghìn đồng/kg, thấp hơn giá thị trường 10 nghìn đồng/kg.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, giá thịt lợn vẫn chưa thể giảm là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng chưa dám tái đàn, ảnh hưởng tới nguồn cung. Thứ hai là do giá thành sản xuất cao vì người nuôi phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi. Thứ ba là do thịt lợn đến tay người dân phải trải qua nhiều khâu trung gian từ vận chuyển, giết mổ. Trước kia, đa phần thợ thịt thu mua của nông hộ, giờ nông hộ không có lợn, họ phải mua lại từ các thương lái và ăn chênh lệch giá.
Chị Trịnh Thúy Hường, chủ cửa hàng bán thịt lợn ở cạnh chợ Thái (T.P Thái Nguyên) cho biết: Giá thịt lợn nhìn chung không giảm, vẫn giữ ở mức tương đương so với thời điểm tháng 3 do giá đầu vào chúng tôi vẫn mua như trước, với mức từ 106-110 nghìn đồng/kg thịt móc hàm. Sau khi pha, lóc, chúng tôi bán thịt mông với giá 140 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ, sườn có giá 160 nghìn đồng/kg...
Thời gian qua, để góp phần giảm giá thịt lợn, Chính phủ đã đồng ý cho một số doanh nghiệp trong nước nhập khẩu thịt lợn và yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hạ giá bán. Cùng với đó, yêu cầu Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Công Thương và các địa phương có biện pháp giảm bớt khâu trung gian, để con đường từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng phải ngắn nhất. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn chưa “hạ nhiệt” do nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn cung. Vì vậy, trong thời điểm này, người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn đa dạng nhiều sản phẩm khác nhau như: Cá, trứng, thịt gia cầm, thủy sản... để vẫn đảm bảo sức khỏe cho gia đình với mức giá phù hợp, vừa giảm áp lực về nguồn cung thịt lợn.