Xuất khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp cần nhiều giải pháp gỡ khó

07:50, 21/05/2020

Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong quý II năm nay, tình hình xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng, yêu cầu đặt ra là từng DN chủ động, nỗ lực hơn nữa để duy trì hoạt động ổn định, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường thế giới “rộng cửa” trở lại.

Giá trị xuất khẩu “tụt dốc”

Theo số liệu thống kê, trong tháng 4 vừa qua, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, tổng giá trị xuất khẩu (GTXK) chỉ đạt 2,25 tỷ USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, GTXK trên địa bàn đạt 9,03 tỷ USD, bằng 30,6% kế hoạch năm và giảm 10,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực địa phương quản lý đạt trên 136 triệu USD, giảm 14,6% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,89 tỷ USD, giảm 10,3%. 

Sở dĩ GTXK trong 4 tháng qua “tụt dốc” là do nhiều mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ví dụ như sản phẩm may đạt GTXK 89,3 triệu USD, giảm 13,5%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 74,3 triệu USD, giảm 17,9%; phụ tùng vận tải đạt 2 triệu USD, giảm 24,6%; nhóm sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng đạt 24,7 triệu sản phẩm với giá trị đạt 4,8 tỷ USD, giảm 33,6% về lượng và giảm 41,1% về giá trị…

Do tình hình xuất khẩu bị ngưng trệ, sụt giảm đã gây ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động tại nhiều DN. Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH JukWang Precision Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) cho biết: Công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm khuôn điện thoại. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ tháng 4 vừa qua, các đơn hàng xuất khẩu bị giảm mạnh. Để tạo đủ việc làm cho 300 lao động, Công ty phải bố trí cho công nhân làm việc luân phiên. Còn tại Công ty TNHH Mani Hà Nội (T.X Phổ Yên) chuyên sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu, từ ngày 1-4 cũng phải cho khoảng 300 lao động nghỉ chờ việc, hưởng 70% lương theo hợp đồng…

Gỡ khó với nhiều giải pháp

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh xuất khẩu là 1 trong 5 “mũi giáp công” của nền kinh tế nước ta hiện nay. Tuy nhiên, đây thực sự là một bài toán không dễ giải.

Sản xuất các sản phẩm từ nhôm để xuất khẩu tại Công ty TNHH Alutec Vina (Phú Bình).

Trước những khó khăn hiện hữu, hầu hết các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực duy trì sản xuất để chờ cơ hội, thời điểm thị trường xuất khẩu “rộng cửa” trở lại. Nhiều biện pháp khắc phục khó khăn đã và đang được các DN triển khai, như: Giảm giờ làm của người lao động; kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất và nguồn nguyên, phụ liệu đầu vào; duy trì sản xuất cầm chừng, tranh thủ thời gian này để đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của người lao động; đầu tư cải tạo, nâng cấp dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất… Bên cạnh những giải pháp “tự thân”, các DN cũng mong muốn sớm được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ; gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; miễn, giảm một số khoản thuế, phí. 

Năm nay, tỉnh đề ra chỉ tiêu GTXK hàng hóa trên địa bàn đạt 29,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2019. Căn cứ tình hình thực tế, việc thực hiện chỉ tiêu này sẽ gặp nhiều khó khăn. Sở Công Thương đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trong năm nay: Kịch bản 1, nếu dịch COVID-19 ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 6 (từ tháng 7 đến tháng 12 hoạt động xuất khẩu trở lại bình thường) thì GTXK trên địa bàn tỉnh ước đạt 25,5 tỷ USD, bằng 86,6% kế hoạch năm, giảm 4% so với năm trước. Kịch bản 2, nếu dịch ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 12 thì GTXK ước đạt 22,1 tỷ USD, bằng 75,1% kế hoạch năm, giảm 16,8% so với năm trước.

Với tinh thần nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu GTXK trong năm nay ở mức cao nhất có thể, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đang đẩy mạnh việc hỗ trợ xuất khẩu đối với các DN thuộc khu vực địa phương quản lý thông qua sử dụng có hiệu quả nguồn vốn khuyến công. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN về các thủ tục để đầu tư mở rộng sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số ngành đang có dấu hiệu phục hồi (như may mặc, sản xuất phụ tùng xuất khẩu). Sở cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến DN về những nội dung, quy định trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, để từ đó các DN có thể tận dụng được những lợi thế, cơ hội mà các hiệp định mang lại trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa... Cùng với đó, theo khuyến nghị của Sở Công Thương, các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tập trung, chủ động hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19 như Hoa Kỳ và châu Âu. Nhiều khả năng phải đến giữa quý III năm nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các nước gỡ bỏ lệnh phong tỏa, mở cửa thị trường thì tình hình xuất khẩu mới có thể khá hơn.