Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 28/2 - 6/3, thị trường hàng hóa thế giới trải qua một trong những tuần biến động mạnh nhất trong lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển. Chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng vọt 15,42% lên mức kỷ lục 3.049,98 điểm. Tính từ đầu năm, chỉ số này cũng đã tăng đến hơn 30% chỉ sau hơn 2 tháng.
Trước đà tăng phi mã của giá hàng hóa, tổng giá trị giao dịch trong tuần vừa qua tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cũng tăng vọt gần 30% lên 43.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc khi con số này đã tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái.
Lúa mì tăng hơn 40% và liên tục kịch trần trên sở Chicago
Lúa mì là mặt hàng nguyên liệu tăng giá mạnh nhất thế giới trong tuần qua, với mức tăng kỷ lục hơn 40%. Theo các số liệu thống kê mới nhất, Nga và Ukraine chiếm 30% nguồn cung lúa mì xuất khẩu trên toàn thế giới trong năm 2021. Vì thế, cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Đen được cho là sẽ làm gián đoạn hoặc thậm chí đứt gãy chuỗi cung ứng lúa mì trong trung và dài hạn, làm lệch cán cân cung-cầu lúa mì trên toàn thế giới trong năm 2022.
Các nước nhập khẩu lúa mì lớn như Ai Cập đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế, bởi lúa mì là mặt hàng không dễ để tăng sản lượng trong thời gian ngắn. Ước tính khoảng 10-12 triệu tấn lúa mì biển Đen đã có kế hoạch xuất khẩu sẽ không thể rời cảng trong thời gian tới do những căng thẳng trong khu vực.
Vào cuối tuần trước, sau khi giá lúa mì Chicago tăng kịch trần 4 phiên liên tiếp, Sở giao dịch Chicago (CME Group) đã buộc phải mở rộng biên độ trong phiên giao dịch từ 50 cents (mở rộng: 75 cents) lên thành 85 cents (mở rộng 135 cents) để phù hợp với bối cảnh đặc biệt hiện nay. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể giúp hạ nhiệt giá lúa mì, khi hợp đồng tháng 5 vẫn tiếp tục mở cửa tăng trần, trắng bên bán sau khi mở cửa phiên sáng nay 07/03/2022.
Dầu thô tăng vọt lên sát 140 USD/thùng trong phiên sáng nay
Thị trường dầu thô chứng kiến mức tăng kỷ lục trong tuần trước, khi giá dầu WTI tăng mạnh 26,3% lên 115,68 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 25,49% lên 118,11 USD/thùng, là mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Khả năng cao giá dầu vẫn còn dư địa để tăng, khi mà điều chỉnh với lạm phát, mức giá 120-130 USD/thùng hôm nay chỉ tương đương khoảng 90-100 USD/thùng 14 năm trước.
Trong khi đó, nền kinh tế thế giới hiện tại đã tăng trưởng và biến chuyển mạnh mẽ, nhiều phân tích từ các ngân hàng đầu tư lớn như JPMorgan Chase hay Bank of America cho rằng thế giới có thể duy trì đà tăng trưởng trong mức này. Để so sánh, dầu chiếm tỷ trọng 3-4% so với GDP toàn cầu trong khi theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của toàn thế giới trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt 4,4%.
Tuy vậy, đối với các nước tiêu thụ nhiều các sản phẩm từ dầu lên đến 20 triệu thùng/ngày, giá dầu cao sẽ kéo theo áp lực gia tăng từ lạm phát. Điều này có thể khiến cho đòi hỏi các ngân hàng trung ương phải hành động để kiểm soát chi phí giá. Đây chắc chắn sẽ là điều FED phải cân nhắc trong cuộc họp chính sách tuần sau.
Một mặt, lạm phát tại Mỹ đã ở mức đỉnh 40 năm và chi phí năng lượng tăng chắc chắn sẽ khiến cho lạm phát leo thang nếu FED không tăng lãi suất. Mặt khác, như giới phân tích chỉ ra, đây là lúc thị trường và các doanh nghiệp cần nhận sự hỗ trợ từ ngân hàng trung ương, và việc tăng lãi suất quá nhanh có thể tạo ra sự mất cân bằng hoặc thậm chí là gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Vẫn còn 1 tháng cho đến khi cuộc họp OPEC+ tiếp theo diễn ra, còn trước mắt, mức tăng hằng tháng của nhóm vẫn chỉ “nhỏ giọt” ở 400.000 thùng/ngày. Tuy vậy, khó có thể trông chờ nhóm có thể “bù đắp” tình trạng thiếu hụt ngay cả khi tháng sau OPEC+ điều chỉnh sản lượng.
Nga hiện đang xuất khẩu khoảng 4-5 triệu thùng dầu thô/ngày và do đó một lệnh cấm vận nhập khẩu dầu tuyệt đối từ phía Mỹ, giống như với Iran, chắc chắn sẽ khiến cán cân cung-cầu nghiêng hẳn về một bên, tạo ra đà tăng dài hạn cho giá. Nguồn cung “giải cứu” từ phía Iran cũng khó có thể giải quyết vấn đề, khi ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất, nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, cũng sẽ mất nhiều tháng để các bên có thể thiết lập một quy trình cụ thể.
Với các thông tin trên, không có gì bất ngờ khi giá dầu mở cửa tuần này đã tăng vọt lên mốc 140 USD/thùng. Cụ thể, mức giá cao nhất của dầu WTI trong sáng nay đạt 130,5 USD/thùng và dầu Brent lên tới 139,13 USD/thùng.
Giá đồng cao nhất mọi thời đại, bạch kim lập đỉnh 8 tháng
Thị trường kim loại cũng không nằm ngoài xu hướng tăng đột phá kể trên. Giá bạc tăng 7,4% lên 25,8 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 7,5 tháng. Giá bạch kim lập đỉnh 8 tháng với mức tăng 6,4% lên 1.116,8 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, rất nhiều mặt hàng đạt được mức tăng trưởng hai chữ số trong tuần vừa qua. Giá đồng trên Sở COMEX lập đỉnh cao nhất mọi thời đại mới với mức tăng 10,1% lên 4,937 USD/pound.
Không chỉ đồng, giá nhôm cũng bứt phá gần 15% và lập đỉnh mới ở mức 3.859 USD/tấn. Sức ép nguồn cung quay trở lại khi mà tồn kho của các mặt hàng đồng loạt giảm mạnh. Mức dự trữ đồng trên cả ba Sở lớn là Sở LME, Sở COMEX và Sở Thượng Hải hiện chỉ hơn 200.000 tấn, tương đương với mức tiêu thụ của toàn thế giới trong vỏn vẹn ba ngày và vẫn đang duy trì xu hướng giảm.
Giá niken dẫn đầu đà tăng của nhóm kim loại với mức tăng gần 19% lên 28.919 USD/tấn. Nga hiện là nhà sản xuất nhôm và niken lớn, đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng pin xe điện, nên tình hình xung đột căng thẳng leo thang cộng với những lệnh trừng phạt khiến cho việc vận chuyển các mặt hàng kim loại ngày càng trở nên khó khăn vì gần một nửa số tàu trên thế giới sẽ không còn đến Nga. Giá năng lượng leo thang cũng sẽ khiến cho nhiều nhà máy luyện kim phải đóng cửa, càng gia tăng sức ép về nguồn cung trên toàn cầu.
Quặng sắt đẩy giá thép cuộn cán nóng (HRC), nhiều doanh nghiệp Việt tăng giá thép 2 lần trong tuần
Chiến tranh căng thẳng giữa Nga-Ukraine đang tạo ra rất nhiều trở ngại cho cả ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó có luyện kim. Chỉ hơn một tuần kể từ khi cuộc chiến bùng nổ, giá nguyên liệu thô là quặng sắt kỳ hạn trên Sở Singapore đã tăng gần 13%, đạt mức 157 USD/tấn.
Tại Trung Quốc, giá quặng sắt nhập khẩu vào quốc gia này cũng chịu mức tăng tương ứng, khi chi phí vận chuyển đường biển tăng mạnh. Chính điều này đã đẩy giá thép xây dựng tăng gần 3%, trong khi giá thép cuộn cán nóng trên Sở Thượng Hải nhảy vọt 7% lên khoảng 837 USD/tấn.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng thực hiện việc tăng giá thép hai lần ngay trong tuần vừa qua. Cụ thể, thép Hòa Phát tăng 300.000 đồng/tấn vào ngày 5/3 và đến hôm nay đã tăng tiếp 410.000 đồng/tấn lên 17,73 triệu đồng/tấn. Mức giá này chỉ thấp hơn mức đỉnh hồi tháng 5/2021 là 18,27 triệu đồng/tấn khoảng 3%.
Năm 2021, Nga ở trong top 5 quốc gia sản xuất thép thô lớn nhất thế giới. Xa hơn là Ukraine với vị trí số 14 đã bị đẩy xuống trong vài năm gần đây và xếp sau Việt Nam. Về mặt xuất khẩu, nếu bỏ qua Trung Quốc, Nga vẫn là đất nước có xếp hạng xuất khẩu thép chỉ sau Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.