Những ngày gần đây, cùng với xăng, dầu, giá gas cũng liên tục tăng cao và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo khảo sát của chúng tôi vào chiều 10-3, giá gas bán lẻ trên thị trường Thái Nguyên dao động từ 450 nghìn đồng - 525 nghìn đồng/bình 12kg; 1,7 - 2,06 triệu đồng/bình 48kg (tùy từng thương hiệu gas).
Thương hiệu gas đang có giá cao nhất trên thị trường là Petrolimex với 525 nghìn đồng/bình 12kg (cao hơn 60 nghìn đồng/bình so với hồi đầu năm) và 2,06 triệu đồng/bình 48kg (cao hơn 240 nghìn đồng/bình so với hồi đầu năm).
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Bắc Thái (Petrolimex Bắc Thái), một trong những đơn vị có thị phần gas lớn nhất tại Thái Nguyên, cho biết: Giá gas bán lẻ hiện nay đang cao hơn khoảng 15% so với thời điểm cuối năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung khí đốt bị thiếu hụt. Trong khi đó, chi phí vận tải tăng do tác động của giá xăng, dầu cũng là nguyên nhân khiến giá gas tăng mạnh. Chúng tôi nhận định, thời gian tới, giá gas sẽ còn tiếp tục tăng…
Đang loay hoay nhóm bếp than tổ ong để nấu nướng bữa cơm tối cho gia đình, chị Cao Thị Lan, hiện đang thuê nhà trọ tại tổ 25, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), nói: Vợ chồng tôi đều là lao động tự do, thời gian qua cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc làm không ổn định, thì nay giá gas, giá xăng, dầu lại tăng “chóng mặt” khiến gia đình tôi càng thêm vất vả. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, hằng ngày, khi đi chợ, tôi cố gắng lựa chọn những loại thực phẩm chế biến đơn giản, nhanh nhất; đồng thời sử dụng thêm bếp than tổ ong để đun nấu thay vì sử dụng hoàn toàn bếp gas như trước. Dù rất muốn chuyển sang dùng bếp điện, nhưng việc bỏ ra cả triệu đồng để mua một chiếc bếp điện mới là không dễ với gia đình tôi.
Trong bối cảnh giá gas liên tục tăng cao, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, một số hộ đã lựa chọn giải pháp tìm mua các thiết bị đun nấu bằng điện, như: Nồi hơi, bếp từ, bếp điện…
Bà Nguyễn Thị Thu, ở tổ dân phố 1, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên), cho biết: Nhà tôi có 6 nhân khẩu, trung bình khoảng 1 tháng sử dụng hết 1 bình gas. Với mức giá trên 500 nghìn đồng/bình gas như hiện nay, nếu đun nấu hoàn toàn bằng bếp điện, gia đình tôi chỉ hết khoảng 400 nghìn đồng/tháng, vẫn tiết kiệm hơn dùng gas. Sau khi tính toán, cân nhắc kỹ, tôi quyết định sắm bếp điện thay bếp gas.
Không chỉ khiến cho cuộc sống sinh hoạt của nhiều gia đình gặp khó khăn, giá gas tăng cao cũng đang tạo áp lực lớn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Giá gas tăng cao, chị Trần Thúy Năm, chủ quán cơm bình dân tại xóm 10, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), phải sử dụng thêm bếp than tổ ong để đun nấu nhằm tiết kiệm chi phí.
Chị Trần Thúy Năm, chủ quán cơm bình dân tại xóm 10, xã Quyết Thắng, cho biết: Trung bình mỗi tháng, quán cơm của gia đình tôi dùng hết khoảng 10 bình gas loại 12kg. So với thời điểm cuối năm ngoái, hiện nay, mỗi tháng tôi phải chi thêm khoảng 1,5 triệu đồng riêng cho tiền gas đún nấu. Chưa kể giá xăng, dầu tăng cao khiến cho giá các loại nguyên liệu, thực phẩm đầu vào cũng tăng.
Anh Bùi Thanh Long, chủ quán cháo dinh dưỡng tại tổ 11, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), nói: Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, thu nhập của chúng tôi. Trung bình mỗi tháng, quán của tôi sử dụng hết 8 bình gas loại 12kg, chi phí đun nấu mất khoảng 4,2 triệu đồng, cao hơn trước 2,3 triệu đồng. Với tình hình giá cả thị trường bất ổn như hiện nay, tôi không biết phải xoay xở ra sao, bởi ngoài chi phí sinh hoạt, tôi phải chi trả thêm 4 triệu đồng tiền thuê mặt bằng
Không chỉ tạo thêm gánh nặng đối với người tiêu dùng, việc giá gas tăng cao còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính các đơn vị kinh doanh mặt hàng này.
Đại lý gas Dũng Nhung, số 956, đường cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên)
Ông Phạm Xuân Dũng, chủ Đại lý kinh doanh gas tại số nhà 956, đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên), chia sẻ: Khoảng 1 tháng nay, sản lượng bán ra của Đại lý sụt giảm khoảng 30% so với bình thường. Nguyên nhân một phần là do một số gia đình đã chuyển sang đun nấu bằng bếp điện hoặc bếp than để tiết kiệm chi phí. Mặt khác, giá gas tăng cao cũng khiến cho Đại lý cần số lượng vốn xoay vòng lớn hơn và để cạnh tranh, chúng tôi cũng phải giảm lợi nhuận so với trước.
Còn ông Bùi Đức Vượng, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Xăng, dầu Bắc Thái, cho biết: Nếu giá gas vẫn tiếp tục tăng thì chắc chắn sản lượng tiêu thụ gas của Công ty sẽ bị sụt giảm, bởi người dân sẽ có xu hướng tiết giảm chi phí bằng cách sử dụng các loại thiết bị đun nấu khác, hạn chế sử dụng gas.
Có thể thấy rằng, việc giá gas cùng với giá xăng, dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua là trở ngại không nhỏ đối với hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới. Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng tăng giá này có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Vì vậy, người dân đang rất mong chờ vào sự điều phối của cơ quan chức năng nhằm hỗ trợ bình ổn giá cả thị trường, giảm thiểu gánh nặng cho người tiêu dùng.