Qua hơn một tháng tăng mức lương cơ sở (từ ngày 1/7/2024), giá các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tương đối ổn định, bảo đảm nguồn cung dồi dào. Các nhà bán lẻ đang nỗ lực bình ổn giá.
Các mặt hàng rau, củ, quả tại Siêu thị Aloha đều không tăng giá. |
Khảo sát của chúng tôi tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy giá của hầu hết mặt hàng thiết yếu đều không tăng. Cùng với đó, nhà bán lẻ đang chú trọng chuyển hướng hoạt động khuyến mãi vào những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và thực hiện chương trình ưu đãi có trọng tâm. Cụ thể, tại Siêu thị lớn nhất tỉnh là Trung tâm thương mại - Siêu thị Go Thái Nguyên, thời điểm hiện tại, cơ bản các mặt hàng gia dụng, thực phẩm không tăng giá so với trước; nhiều sản phẩm chạy khuyến mại, chương trình giảm giá như dầu ăn, nước giặt…
Tương tự, tại Minh Cầu Mart, một số mặt hàng gia dụng, nước giặt chạy quảng cáo cũng đang giảm giá khuyến mại. Thậm chí doanh nghiệp này còn duy trì chương trình “đi chợ oline khỏi lo phí ship” miễn phí ship 100%. vào ngày thứ 3 hàng tuần cho khách hàng.
Còn với Siêu thị Aloha, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), cơ bản mặt hàng thực phẩm, gia dụng, đồ dùng thiết yếu không tăng giá; sản phẩm như cafe, mỳ tôm, hóa mỹ phẩm (các loại tắm gội, giặt tẩy) chỉ tăng giá nhẹ từ 3-7%.
Ông Dương Thế Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Aloha Thái Nguyên, thông tin: Để hỗ trợ người tiêu dùng, đối với những mã hàng nhà sản xuất tăng giá, doanh nghiệp nhập với khối lượng lớn để nhận được nhiều ưu đãi. Từ ưu đãi này, Siêu thị tính toán để đưa ra mức giá hợp lý cho người tiêu dùng, đảm bảo việc bình ổn giá kéo dài. Sau khi hết hàng, chúng tôi mới điều chỉnh giá.
Tại Siêu thị Lan Chi, nhìn chung giá cả các mặt hàng thiết yếu, gia dụng cơ bản không tăng, riêng thịt lợn tăng 20% do đầu vào của nhà cung cấp tăng. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước, do từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngưng tái đàn.
Khảo sát tại chợ Yên Trạch, huyện Phú Lương, chúng tôi nhận thấy tuy chợ phiên họp vào ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 hàng tháng nhưng các mặt hàng thiết yếu từ quần áo, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm được bày bán rất phong phú, giá cả phải chăng.
Hoạt động mua bán tại chợ Yên Trạch (Phú Lương). |
Theo bà Nguyễn Thị Hồi, xóm Na Hiên, xã Yên Trạch: Sau khi Nhà nước điều chỉnh tăng lương, nhìn chung các mặt hàng không tăng giá. Duy có thịt lợn tăng do xã giáp ranh với huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), nơi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi nên bà con trong xã và vùng lân cận không dám tái đàn nhiều như trước.
Theo đại diện một số nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh, với sức mua duy trì ở mức không cao trong thời gian qua thì việc tăng giá theo lương sẽ gây khó cho cả đơn vị kinh doanh lẫn người tiêu dùng. Do đó, hầu hết nhà bán lẻ đã và đang làm việc với nhà cung cấp, đơn vị sản xuất để "nới lỏng" biên độ điều chỉnh giá dài ra, nếu trong trường hợp nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng.
Để lương tăng giá không tăng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, Sở Công Thương đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị đầu mối xây dựng phương án chuẩn bị nguồn cung mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Sở đã phối hợp với các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê tỉnh trong tháng 7-2024, thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng không có biến động lớn. Nguồn cung hàng hóa đảm bảo, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá được các đơn vị bán lẻ đưa ra để kích cầu người tiêu dùng. Hơn nữa đây cũng là thời gian cao điểm mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7-2024 ước đạt 6.876,5 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin