Biết làm nghề mộc sẽ cực nhọc, vất vả, nhưng tôi vẫn lựa chọn gắn bó, vì đây là nghề dòng họ Khúc ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã làm nhiều đời. Ông Khúc Văn Xuân, 62 tuổi, xóm Thanh Xuyên 4, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) chia sẻ.
Là con nhà thợ mộc, ông Xuân lớn lên bên đống phoi bào, mùn cưa và tiếng dọc gỗ, tiếng dùi đục chí chát. Ông không nhớ mình bắt đầu với nghề mộc từ năm nào, chỉ nhớ ngày còn cắp sách đến trường, buổi sáng đến lớp, chiều ở nhà trà giấy giáp làm nhẵn đồ gỗ để bố đánh véc li. Học hết lớp 7, ông ở hẳn nhà theo bố làm nghề, tập giũa cưa, mài đục, rồi cách đục lỗ vuông, lỗ tròn, kỹ thuật dọc gỗ, bào phá… 19 tuổi, ông trở thành một thợ cứng, có thể nhận đóng các loại đồ dùng trong gia đình, chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế, chạn để bát và đồ thờ gia tiên.
được kèm theo chữ mộc. Ông thấy vui khi bạn bè, nhất là các cô gái cùng làng gọi ông là anh Xuân mộc. Người quê gọi như thế cốt để phân biệt với những người có tên Xuân khác trong vùng. Năm 1976, ông tình nguyện nhập ngũ. Sau huấn luyện ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh), ông được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25, Bộ Tư lệnh công binh. Sau gần 5 năm phục vụ trong quân đội, hoàn thành nhiệm vụ của một quân nhân, ông trở về với vùng đất Canh Tân, huyện Hưng Hà nơi ông cất tiếng khóc chào đời, tiếp tục gắn bó với nghề mộc gia truyền.
Để thỏa trí hồ hải, đầu năm 1981, ông gánh đồ đoàn ra Hà Nội, rồi ngược mạn Thái Nguyên làm nghề. Hồi đó, cái nghề xoèn xoẹt cưa, chí chát đục đẽo được nhiều người tôn quý. Nhà nào đặt đóng đồ thì “rước” về ở cùng, thân thiện như ruột thịt. Nghe thì bùi, nhưng nghề mộc cực nhọc. Để đóng được đồ, trước tiên phải bắc giáo, dựng đà để xẻ phá cây gỗ ra từng tấm ván. Tiếp đến là cưa dọc, cưa ngang, định hình gỗ làm tủ, làm giường, chính xác đến từng milimet… bàn tay chai sạn lại, lưng áo chẳng ngày nào không ướt vì mồ hôi. Công việc lôi cuốn ông đi. Nhiều lúc ông thấy tự đắc vì cái nghề vác dùi đục đi ăn cơm thiên hạ có cái hay là được đi nhiều, biết nhiều. Nhưng rồi ông bị “cột lại” tại bến đời ở xóm Thanh Xuyên 4 này bằng một tình yêu với cô thôn nữ Nguyễn Thị Phương. 2 người nên duyên chồng vợ và họ có với nhau 4 người con, đến nay đều đã trưởng thành.
An cư mới lạc nghiệp. Ông dừng chân hải hồ, ở lại Thanh Xuyên tiếp tục sống bằng nghề mộc. Trước đó, thân một mình thì ai thuê gì đóng nấy, vật liệu gỗ đều do của gia chủ mua sẵn. Còn khi mở cơ sở làm nghề mộc tại nhà, đòi hỏi phải có nhiều tiền
vốn. Ông kể: Sản phẩm của nghề mộc nhiều, nhưng tôi tập trung vào đóng các loại giường, tủ, bàn ghế, đồ thờ… bán cho nhân dân trong vùng. Đồ đoàn để làm nghề mộc có đủ, nhưng thiếu vốn mua gỗ làm vật liệu, nên có sản phẩm bán đi, lại dành dụm tiền mua gỗ đóng đồ theo đặt hàng của người sử dụng. Bằng cách khắc phục “lấy ngắn nuôi dài”, cơ sở sản xuất đồ mộc của tôi ngày càng được mở rộng, được nhiều người dân trong vùng biết đến và đặt hàng.
Cái tên Xuân mộc nhanh chóng trở thành một thương hiệu dân dã. Vì nhiều người đến cơ sở của ông đặt đóng đồ, về sử dụng thấy yên tâm nên chủ động giới thiệu cho người thân. Nhờ đó, cơ sở ngày càng phát triển. Ông Xuân cho biết: Năm 2005, tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống máy hút bụi gỗ, hút bụi sơn. Năm 2010, tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống máy đục vi tính… Ngoài mở rộng cơ sở sản xuất, tôi đầu tư vốn mở thêm 3 điểm bán hàng tại T.X Phổ Yên, tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập từ 6,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Đến thăm cơ sở sản xuất đồ mộc ở xóm Thanh Xuyên 4 của ông. Những gì như tôi liên tưởng là tiếng chí chát đục đẽo, tiếng máy cưa gầm rít trong bụi bặm đã không thấy. Mà trong khu xưởng gỗ ván xếp thành khối, hầu hết các công đoạn làm mộc được thực hiện bằng máy. Ông Xuân nói vui: Làm nghề mộc bây giờ có thể mặc “áo trắng cổ cồn”, chứ không chí cha chí chát “dùi đục chấm mắm cáy nữa”. Công nghệ “bốn chấm không” rồi, mọi việc đều do máy làm, người thợ giảm nhiều cực nhọc và độc hại, năng suất đạt cao, chất lượng sản phẩm đẹp, bền, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng.