Tôi đã hình dung tới hình ảnh đó khi gặp và quen với anh Giàng Mí Và, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang) - một cán bộ người Mông có cách nói chuyện mộc mạc, thật thà và đầy nhiệt huyết với công việc.
Cảm tưởng như trong đầu của người cán bộ này là cả một kho kế hoạch, chưa hết việc này đã muốn thực hiện công việc khác. Sinh ra và trưởng thành trên vùng cao nguyên đá cằn cỗi, anh giống như đóa hoa tỏa hương, đóng góp không ngừng nghỉ cho sự đổi thay của quê hương mình.
Kiên trì theo đuổi con chữ
Tôi tình cờ biết đến anh Giàng Mí Và trên giảng đường của lớp Đại học quản lý văn hóa (hệ vừa học vừa làm) khóa 2012-2017, tổ chức tại Thái Nguyên. Anh ngồi gần cuối lớp, bên cạnh là một cậu bé cũng đang cặm cụi làm toán trên cuốn vở ô ly. Hỏi ra mới hay, đó là con trai lớn của anh Và.
Thời điểm đó, anh đang đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn; vợ anh là chị Vàng Thị Súa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sủng Trái cũng đang học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Nhà neo người nên đến hè, hai đứa con phải từ Hà Giang xuôi Thái Nguyên và Hà Nội để theo bố, mẹ lên giảng đường cùng học.
Từ cơ duyên ban đầu đó, tôi với anh Và giữ mối liên hệ và dần thân thiết. Điều đặc biệt ấn tượng là anh rất chăm chỉ viết tin, bài; cách viết mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu. Nội dung từ việc triển khai các chủ trương, nghị quyết cấp trên, phong trào khuyến học, gương sáng lao động sản xuất ở địa phương để gửi đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện Đồng Văn; trang điện tử của các sở, ngành và Báo Hà Giang. Không phải tất cả đều được đăng ngay nhưng anh không nản chí, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp để sửa lại cho phù hợp. Anh bảo: "Viết bài là một cách để tôi rèn luyện thêm kỹ năng, cũng là động viên, khuyến khích nhân rộng những điển hình tiên tiến của quê mình".
Ở tuổi 38, anh Giàng Mí Và có thâm niên 10 năm giữ vai trò là cán bộ chủ chốt của xã Sủng Trái và Tả Phìn; vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới 19 tuổi và là một trong số ít cán bộ cấp xã ở Hà Giang được cử đi học lớp cao cấp lý luận chính trị tập trung tại Hà Nội. Điều này phần nào cho thấy năng lực và sự ghi nhận, đánh giá cao của cấp trên đối với cá nhân anh Và. Nhìn lại suốt quá trình học tập và công tác của Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, hẳn nhiều người sẽ còn cảm phục hơn nữa.
Sinh ra trong gia đình có đông anh em, điều kiện kinh tế khó khăn, giống như nhiều cậu bé người Mông trên vùng cao nguyên đá, Giàng Mí Và được gia đình định hướng lấy vợ sớm hơn là đi học văn hóa. Tuy nhiên, ở tuổi 14, anh đã quyết định không theo lệ thường đó... để bắt đầu học lớp 1. Hai năm học ở xã và 5 năm tiếp theo (1999-2004) anh hoàn thành bậc học THCS tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đồng Văn.
Học xong THCS, anh Giàng Mí Và được Đảng ủy xã Sủng Trái và Huyện đoàn Đồng Văn giới thiệu tham gia Ban Chấp hành và bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã. Trong khoảng thời gian tiếp theo, anh lần lượt luân chuyển đảm nhiệm các vị trí Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sủng Trái; Phó chủ tịch UBND xã Sủng Trái. Bản thân anh cũng chủ động bố trí công việc khoa học để hoàn thành chương trình văn hóa THPT, lớp đại học chuyên ngành quản lý văn hóa hệ vừa làm vừa học; hoàn thành lớp trung cấp lý luận chính trị tại huyện và cao cấp lý luận chính trị tập trung tại Hà Nội. Tháng 6-2020, anh được Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Văn điều động, luân chuyển và bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND xã Tả Phìn từ đó tới nay.
Cùng bà con tìm hướng thoát nghèo
Luân chuyển sang địa phương mới công tác, bản thân anh Giàng Mí Và có vất vả hơn với quãng đường 60km cả đi lẫn về bằng xe máy. Tuy vậy, điều anh trăn trở nhiều hơn là làm sao giúp bà con dần bỏ các tập tục lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm mới để từ đó thoát nghèo.
“Tả Phìn là xã đặc biệt khó khăn, đất sản xuất ít vì phần nhiều là núi đá, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới gần 60%. Cái khó là bà con vẫn giữ nhiều nếp suy nghĩ và cách làm lạc hậu, như việc chăn thả rông gia súc, gia cầm, khi xảy ra dịch thì không muốn cho cán bộ chuyên môn tiêm phòng, trị bệnh; việc tảo hôn hoặc kết hôn mà không đăng ký vẫn còn khá phổ biến; bà con chưa quan tâm nhiều đến việc tạo điều kiện cho con em đi học, phần nhiều chỉ dừng lại ở bậc THCS...”, anh Và trăn trở.
Với cương vị người đứng đầu chính quyền, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn đã dành nhiều thời gian đi thực tế cơ sở để nắm tình hình và vận động bà con. Nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng có dịp cùng anh rong ruổi xe máy xuống các thôn, bản. Từ Sà Tủng Chứ, Sùa Lủng, Nhìa Lũng Phìn, Khúa Lủng, Khó Già, Dình Lủng rồi Mà Lủng... đâu đâu bà con cũng trò chuyện với anh bằng sự trìu mến và cởi mở.
Hộ ông Thò Mí Lùng, ở thôn Sà Tủng Chứ mới thực hiện xếp nương bậc thang, cải tạo được khu vườn rộng hơn 400m2. Cả nhà đang làm nốt những phần việc còn lại để kịp trồng cây đúng dịp thời tiết thuận lợi.
- Gia đình mình dự định trồng cây gì trên khu đất này?-tôi hỏi.
- Sẽ trồng rau và cây lê lấy quả, vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa bán lấy tiền sắm sửa đồ dùng sinh hoạt.
- Làm được khu vườn thế này chắc mất nhiều công sức lắm?
- Vâng, nhiều lắm. Phải đào đá và xếp lại thành bờ cho ngay ngắn rồi chở đất từ nơi khác đổ vào. Thú thật, nếu không có cán bộ xã, trực tiếp là anh Và xuống vận động thì chẳng bao giờ tôi nghĩ sẽ làm thế này. Làm xong rồi thì thấy đúng, mất công sức ban đầu nhưng có được mảnh vườn đẹp mãi mãi-ông Lùng nói trong niềm vui.
Dẫn tôi đi thăm một số mô hình kinh tế tiêu biểu của Tả Phìn, anh Và nói: "Ở xã cũng có một số hộ khá giả, đó là những trường hợp thuận lợi về đất canh tác, có tư duy mới trong sản xuất, kinh doanh. Có hộ chăn tới 30-40 con bò, mua được cả ô tô tải phục vụ chuyên chở hàng hóa. Tôi rất muốn từ những mô hình như vậy lan tỏa cho bà con biết và học tập, kết hợp với các chương trình hỗ trợ phù hợp để ngày càng nhiều hộ có thể tự vươn lên thoát nghèo".
Gần một năm giữ chức Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, anh Giàng Mí Và đã cùng tập thể lãnh đạo xã làm được nhiều việc ý nghĩa. Đó là tổ chức cấp giấy đăng ký kết hôn cho các cặp nam nữ đã ở chung với nhau nhiều năm; phối hợp tư vấn và giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp; tổ chức hoạt động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”; chỉ đạo tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động ở các thôn, bản... Được biết, trong gần 10 năm giữ chức Phó chủ tịch UBND xã Sủng Trái, anh Và có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông, các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
Người dân Sủng Trái còn nhắc nhiều đến việc anh Giàng Mí Và đã chủ động xuống các thôn, bản để vận động, lo hồ sơ và thủ tục cho hàng chục em học sinh vào học THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện; đồng thời tích cực trong việc chế tác khèn, sáo và truyền dạy văn hóa dân tộc Mông cho các học sinh trên địa bàn; góp phần khôi phục và phát triển nghề vẽ sáp ong trên vải lanh...
Với nhiều cố gắng trong học tập và công tác, anh Giàng Mí Và đã được các cấp, ngành ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen. Trong đó có 1 bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 5 bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Quan trọng hơn đó là sự yêu mến, tin tưởng của bà con nhân dân, đây là động lực để người cán bộ cơ sở này tiếp tục cố gắng, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự đổi thay tích cực trên miền cao nguyên đá Đồng Văn.