Việt Nam: * Lê Quý Đôn là nhà bác học lớn Việt Nam thời hậu Lê. Ông sinh 2-8-1726 ở Diên Hà, Tiên Hưng, Sơn Nam, Thái Bình. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng lâu đời, từ nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, trí nhớ phi thường, được xem là "thần đồng".
Về triết học, tư tưởng của ông đã có nhân tố duy vật. Về chính trị, ông luôn thể hiện tinh thần độc lập tự chủ, tin tưởng ở khả nǎng cải tạo xã hội và cải tạo thiên nhiên của con người. Để cải tạo xã hội và thiên nhiên, ông chủ trương phải "biết nhiều, nghe rộng mới làm nên sự nghiệp".
Lê Quý Đôn am hiểu hầu hết các tri thức về khoa học mà người Việt Nam thế kỷ XVIII có được. Ông hiểu rộng và viết nhiều về triết học, sử học, vǎn học, luật học, viết cả về nông nghiệp (nhất là về cây lúa) và các ngành nghề khác. Ông đã để lại một số tác phẩm có tính chất bách khoa như: "Vân đài loại ngữ". Đây là bộ sách tổng hợp, hệ thống hoá tri thức về khoa học, nghệ thuật, triết lý, địa lý, lý luận vǎn học, giáo dục học. Tác phẩm "Phủ biên tạp lục" là bộ sách bách khoa thư địa phương. Tác phẩm "Kiến vǎn tiểu lục" là bộ bách khoa về Việt Nam từ đất nước, lịch sử đến con người. Ông mất ngày 2-6-1784, thọ 58 tuổi.
* Nguyễn Huy Oánh, nhà vǎn, nhà thơ đời Lê Hiển Tông. Ông sinh ngày 4-11-1713 ở trường Lưu, Lai Thạch, La Sơn, Hà Tĩnh.
Nǎm 1748 ông đỗ Thám hoa, làm đến Tả thị lạng Bộ Lại và thǎng Đô ngự sử. Ông từng được cử đi sứ, làm đến Thượng thư Bộ Hộ. Anh ông là Nguyễn Quýnh, cũng nổi tiếng vǎn thơ. Con ông là Nguyễn Huy Tự, tác giả truyện thơ "Hoa tiên". Cháu ông là Nguyễn Huy Hổ, tác giả truyện thơ "Mai Đình Mộng Ký". Các tác phẩm chính của Nguyễn Huy Oánh là: "Phụng sử yên kinh tập", "Bắc dư tập lãm", "Sơ học chỉ nam", "Phụng sự yên đài tổng ca", "Cổ lễ nhạc chương thi vǎn tập". Ông mất ngày 2-6-1789, thọ 76 tuổi.
* Ngày 2-6-1897, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Pôn Dume đa ra nghị định về chính sách thuế thân đối với người dân ở Bắc Kỳ.
Nội dung của chính sách như sau: thuế thân đánh vào người từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Tất cả những ai trong diện đóng thuế thân đều phải có thẻ thuế thân. Trên thẻ có chữ ký hoặc điểm chỉ, có dấu triện của Lý trưởng. Mỗi nǎm thay thẻ một lần, màu sắc thẻ cũng phải thay đổi hàng nǎm. Đi đâu cũng phải mang thẻ. Trường hợp không mang thẻ mà bị cảnh sát bắt giữ thì phải nộp tiền để lấy thẻ mới. Nếu dùng thẻ của người khác phải nộp phạt. Người cho mượn thẻ cũng bị phạt.
Về thực chất, thuế thân là môt thứ thuế coi con người là một loại hàng hoá, đánh vào đông đảo tầng lớp bình dân nghèo khó.
Thế giới:
* Êvarit Galoa (Évariste Galois) là một nhà toán học lừng danh, không chỉ vì một cuộc đời kỳ dị mà chính là do những ý kiến và công trình sâu sắc của ông về lý thuyết phương trình đại số. Những công trình này nay đã có một giá trị rất lớn cho ngành toán học nhân loại.
Galoa sinh ngày 26-10-1811 gần thủ đô Pari. Ngay từ thuở học sinh, ông đã rất ham mê môn toán học. Nǎm 1829 ông có công trình đầu tiên về "Lý thuyết chương trình". Nǎm 1831 ông bị bắt vì lý do cầm đầu một nhóm biểu tình. Trong khi bị giam, ông nghiên cứu về "Tích phân của hàm đại số", và đề ra "Lý thuyết sự mập mờ".
Galoa mất khi 20 tuổi, ngày 2-6-1832. Những công trình toán học của ông mở đầu cho một phương hướng mới trong ngành toán học. Vì thế tên tuổi của ông được ghép vào những khái niệm toán, như "Tập hợp Galoa".