Một số sự kiện trong ngày 10 tháng 8:

00:00, 10/08/2014

* Từ ngày 10 đến 12-8-1947, Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã triệu tập Đại hội đại biểu toàn tỉnh lần thứ nhất tại đình An Mĩ (nay là Mỹ Yên, huyện Đại Từ).   Tham dự Đại hội có trên 100 đại biểu thay mặt cho hơn 1.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 đồng chí do đồng chí Lê Trung Đình làm Bí thư; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ gồm 3 đồng chí: Lê Trung Đình, Ngô Nhị Quý và Lê Văn Lương.   Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất diễn ra, Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã kiện toàn một bước, đảm bảo cho Đảng bộ tỉnh có đủ khả năng lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chuẩn bị đối phó với âm mưu và hành động mới của thực dân Pháp.

 

* Lê Hoàn sinh ngày 10-8-941 tại xã Nhân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.


Lớn lên, Lê Hoàn đi theo Nam Việt Vương đã lập được nhiều chiến công. Khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên cơ nghiệp nhà Đinh, Lê Hoàn được phong làm Thập đạo tướng quân - lúc tròn 30 tuổi.

 

Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại. Đinh Toàn mới 6 tuổi lên làm vua. Nhân cơ hội đó, nhà Tống đưa quân sang xâm lược nước ta. Vì lợi ích của dân tộc. Thái hậu Dương Vân Nga đã trao ngôi vua cho Lê Hoàn. Ông lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Lê Đại Hành.


Chỉ trong vòng một tháng, dưới sự chỉ huy của Lê Đại Hành, quân và dân nước Đại Cồ Việt đã phá tan được quân Tống trên mặt trận thuỷ, bộ.


Nǎm 1005 vua Lê Đại Hành từ trần, làm Vua được 25 nǎm, thọ 65 tuổi.

 

* Ngày 10-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 107-SL tặng danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc, gồm có:


- 4 Anh hùng quân đội: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, La Vǎn Cầu, Cù Chính Lan (truy tặng).


- 3 Anh hùng lao động: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh.


Đây là đợt đầu tiên Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động cho những chiến sĩ thi đua xuất sắc nhất nước ta.

 

* Ngày 10-8-1957, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam tấn công thị trấn Minh Thạnh (Thủ Dầu Một, nay thuộc tỉnh Bình Dương), diệt bọn cảnh sát và quân ngụy, làm chủ thị trấn và trung tâm kinh tế, thu nhiều vũ khí, 10 xe GMC và khá nhiều chiến lợi phẩm, lương thực, tiền bạc.

 

* Ngày 10-8-1519, một hạm đội gồm 5 chiếc thuyền nhỏ đã rời cảng Xêri thuộc Tây Ban Nha. Hạm đội do Magienlǎng chỉ huy với 256 thuỷ thủ, thực hiện cuộc hành trình vòng quanh thế giới.


Sau khi đi dọc theo bờ biển Nam Mỹ, men theo bờ biển phía đông, Hạm đội đến một eo biển giữa mũi cực nam của đại lục này với đảo Đất Lửa, về sau eo biển này mang tên Magienlǎng. Tiếp theo, đoàn thám hiểm đi vào một đại dương bể lặng sóng yên, Magienlǎng đặt tên là Thái Bình Dương. Sau hơn một nǎm lênh đênh giữa biển khơi với đói khát, bệnh tật, đoàn thám hiểm đến Philipin. Tại đây, đoàn thám hiểm tìm được nhiều hồ tiêu, hương liệu và mặt hàng qúy đối với châu Âu. Nhưng trong cuộc đụng độ với thổ dân, nhiều thuỷ thủ và bản thân Magienlǎng đã bị chết.


Ngày 6-9-1522, đoàn thám hiểm về đến Tây Ban Nha, chỉ còn lại 13 thuỷ thủ, trên tàu đầy ắp hương liệu. Như vậy, Magienlǎng cùng thuỷ thủ đã thực hiện một cuộc hành trình vòng quanh thế giới lần đầu tiên. Cuộc thám hiểm đã khẳng định là Trái đất hình tròn.

 

* Môlie (Molière Jean Baptiste Poquelin) là nhà viết kịch lớn nhất của nước Pháp sinh ngày 15-1-1622. Sự nghiệp của ông bất tử qua những kiệt tác như "Đông Joǎng", "Anh ghét đời", "Táctuýp", "Lão Hà tiện"...


Môlie không những là người mở đầu vinh quang cho hài kịch cổ điển Pháp, mà còn đưa hài kịch trở thành một thể loại có vị trí xứng đáng trên kịch trường thế giới. Ông lấy cảm hứng trực tiếp từ các hiện trường nghịch lý, đáng cười đang lan tràn trong xã hội. Nhất là trong tầng lớp thượng lưu trưởng giả phong kiến và bọn đội lốt tôn giáo thần quyền. Những nhân vật "Táctuýp", "Đông Joǎng", "Ắcpagông"... đã trở thành hình tượng tiêu biểu trên toàn thế giới để chỉ thói bịp bợm, dâm đãng, tham lam, hà tiện, keo kiệt, được Môlie khái quát từ tầng lớp thầy tu bất chính, phong kiến lỗi thời và bọn tư sản đang lên chứa đầy ung nhọt.


Ngày 10-8-1673, trong đêm diễn vở "Người bệnh tưởng" với vai diễn nhân vật chính, Môlie đã kiệt sức, gục ngã và qua đời. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho đến phút cuối cùng vì nghệ thuật và khát vọng công bằng, đẹp đẽ của loài người.

 

* Gioócdơ Amado là nhà vǎn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Braxin. Ông sinh ngày 10-8-1912, từng tham gia Mặt trận giải phóng dân tộc và bị giam giữ. Ông sống lưu vong ở nước ngoài, khi trở về tổ quốc được bầu làm nghị sĩ Đảng cộng sản. Nǎm 1951, Amado được giải thưởng Lênin. Nǎm 1961 ông được bầu làm Uỷ viên Hội đồng Hoà bình thế giới, Viện sĩ Viện Hàn lâm Braxin.


Những sáng tác phong phú của Amado có thể coi như một bộ biên niên về xã hội Brazin suốt thế kỷ XIX. Với tư tưởng tiến bộ, tác phẩm của ông bộc lộ ý thức phản kháng, đấu tranh vì lẽ phải công bằng. Về nghệ thuật, các tác phẩm của Amado in đậm tính truyền thống, âm hưởng của dân ca và truyện kể dân gian, tái hiện sinh động hình ảnh đất nước Braxin.


Tác phẩm chính: "Những con đường đói khát" - tiểu thuyết.