* Từ 15 - 8 - 1945 xứ Uỷ Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa và thành lập uỷ ban khởi nghĩa. Hà Nội tràn ngập không khí cách mạng. Sáng ngày 19-8-1945 hơn 10 vạn đồng bào Hà Nội xuống đường tuần hành thị uy. Một cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường nhà hát lớn chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm Sai, toà thị chính thành phố, trại bảo an và các công sở quan trọng khác.
Cùng ngày với Hà Nội, nhân dân các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Phú Yên, Thanh Hoá, Khánh Hoà cũng vùng lên khởi nghĩa và giành thắng lợi nhanh chóng.
* Cùng với cuộc tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Hà Nội, lực lượng công an nhân dân Việt Nam đã chính thức được thành lập.
Sinh ra và lớn lên trong bão táp cách mạng, lực lượng công an nhân dân đã góp công lớn trong việc bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ chống thù trong giặc ngoài. Đêm 13-7-1946 lực lượng công an nhân dân Thủ đô đã đập tan âm mưu phản cách mạng định lật đổ chính quyền do bọn phản động "Việt Quốc", "Việt Cách" tổ chức. Các sào huyệt của chúng ở 80 Quan Thánh, 132 Bùi Thị Xuân, 7 Ôn Như Hầu bị phá tan. Những vụ trừng trị ác ôn ở phố Hàng Vải, Lò Đúc, Phố Huế đã làm bọn giặc kinh hồn khiếp vía.
Ngày nay, lực lượng Công an nhân dân càng thấm nhuần 6 lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức nâng cao tinh thần cảnh giác, tiến công địch trên mọi mặt, nỗ lực xây dựng và phát triển lực lượng, dựa vào sức mạnh tổng hợp, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Với thành tích xuất sắc, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
* Ngày 19-8-1961, đồng chí Nông Vǎn Nhúng (tức Xuân Trường) được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 337/TTG cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Đây là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Nhúng người dân tộc Tày, quê ở xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tham gia Cách mạng từ nǎm 1942, là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Đồng chí hy sinh tối mồng 4 tháng 2 nǎm 1945 trong trận đánh đồn Đồng Mu, trận đánh thứ ba của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (sau trận Phai Khắt, Nà Ngần). Khi đó đồng chí là tiểu đội trưởng.
* Ngày 19-8-1963, Bảo tàng vǎn hoá các dân tộc Việt Nam (ở thành phố Thái Nguyên) đã mở cửa phục vụ người xem.
Bảo tàng này có diện tích sử dụng 4.000m2, trong đó có 2.000m2 dành cho trưng bày. Sau phần mở đầu giới thiệu khái quát 54 dân tộc cư trú trên đất nước Việt Nam - được phân thành tám nhóm ngôn ngữ, thuộc các ngữ hệ Nam Á, Nam Đảo, Hán - Tạng, Tày - Thái - là các phần nói về đặc trưng vǎn hoá của nhóm Việt Mường, Tày Thái, Mông Dao, Môn - Khme, Hán - Tạng. Mỗi nhóm dân tộc được trình bày theo trình tự: Nguồn gốc lịch sử, địa vực cư trú, nhà cửa, hình thái kinh tế, đặc trưng vǎn hoá vật chất, truyền thống vǎn hoá tinh thần.
Bảo tàng vǎn hoá các dân tộc Việt Nam đang lưu giữ hơn 10 nghìn hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập quý như trang phục các dân tộc, công cụ sản xuất, sǎn bắt, hái lượm, nghề thủ công cổ truyền, nghệ thuật dân gian, nhạc cụ dân tộc.