Một số sự kiện trong ngày 1 tháng 9:

00:00, 01/09/2014

* Ngày 1-9-1858 Hạm thuyền Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Trong cuộc tấn công này, quan quân nhà Nguyễn nhu nhược để thành Đà Nẵng thất thủ. Ngày này được coi là sự kiện mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Từ đó thực dân Pháp đã đặt ách đô hộ thuộc địa lên đất nước ta gần 100 năm.

 

* Học giả Trương Vĩnh Ký còn có tên là Pêtruyt Ký, sinh năm 1837, quê ở tỉnh Bến Tre, qua đời ngày 1-9-1898.


Trương Vĩnh Ký là người đọc và nói giỏi 15 thứ ngoại ngữ, từ ngữ của phương Tây, và biết thông thạo 11 ngoại ngữ phương Đông. Đương thời ông được giới học thuật tư sản liệt vào 18 nhà bác học trên thế giới.


Ông trước tác nhiều thể loại, còn để lại hơn 100 bộ sách giá trị về nghiên cứu lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, biên soạn từ điển, dịch sách ngữ Hán, sưu tầm, phiên âm truyện nôm và tác phẩm cổ Việt Nam, những sáng tác dân gian. Sách của Trương Vĩnh Ký đã có nhiều đóng góp cho một số ngành khoa học đương thời, nhất là khoa học ngôn ngữ và khoa học lịch sử.

 

* "Phố Thái" là biệt danh mà giới nghệ thuật tạo hình nước ta dành cho hoạ sĩ Bùi Xuân Phái. Tranh vẽ về phố phường và cảnh sinh hoạt thường ngày của Hà Nội là bộ phận đáng kể nhất trong sự nghiệp nghệ thuật của ông. Ông sinh ngày 1-9-1921 và qua đời năm 1988.
Từ năm 1941, khi bức tranh ông vẽ về phố Hàng Phèn được gửi đi triển lãm ở Pháp, cho đến cuối đời, hoạ sĩ vẫn gắn bó với đề tài này.


Những ngõ, phố Phất Lộc, Hàng Giầy, Hàng Mã, Hàng Bè... đến Ô Quan Chưởng, Văn Miếu, Hồ Tây... đã đi vào bảo tàng tranh Bùi Xuân Phái để lại hàng nghìn tác phẩm. Tranh của ông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

 

* Sáng 1-9-1930 đã diễn ra cuộc biểu tình có vũ trang tự vệ của nông dân huyện Thanh Chương, Nghệ An. Trên hai vạn nông dân đã tiến vào huyện lỵ đòi giải quyết các yêu sách như: trả tự do cho những công nhân bị bắt, chia ruộng đất, tự do bãi công, đòi bồi thường... Không giải tán được, quân Pháp đã bắn vào đoàn biểu tình. Quần chúng xông lên mở cửa nhà lao giải phóng tù chính trị, thiêu huỷ huyện đường. Ngày hôm sau chính quyền Xô Viết được thành lập.

 

* Lương Khánh Thiện sinh năm 1903 quê ở xã Liêm Chính, Thanh Liêm, Hà Nam. Năm 1925, ông cùng Hoàng Quốc Việt vận động đòi ân xá Phan Bội Châu, bị đuổi học, ông về Nam Định tuyên truyền công nhân tham gia cách mạng. Năm 1929, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Ngày 1-5-1930 sau cuộc biểu tình, ông bị kết án khổ sai trung thân, đày ra Côn Đảo. Đến 1936 ông được trả tự do, ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội và được cử vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, trực tiếp chỉ đạo các cuộc bãi công của công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đầu năm 1940 ông phụ trách Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.


Tháng 11-1940 ông bị bắt. Lần này chúng kết án ông tử hình và bị hành quyết ngày 1-9-1941 tại thị xã Kiến An, lúc đó ông mới 38 tuổi.

 

* Cung văn hoá lao động Hữu nghị Việt Xô được khánh thành ngày 1-9-1985.


Cung được xây dựng trên nền Nhà Đấu Xảo cũ ở Hà Nội và do công nhân lao động Liên Xô giúp. Từ ngày đi vào hoạt động, Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô đã diễn ra nhiều đại hội, hội nghị trong nước và quốc tế. Cung đã thực sự trở thành địa điểm sinh hoạt văn hoá văn nghệ của nhân dân và nhân dân lao động Thủ đô.

 

* Ngày 1-9-1939 nước Đức quốc xã tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945).