Một số sự kiện trong ngày 10 tháng 9:

00:00, 10/09/2014

* Lê Lợi sinh ngày 10-9-1385, tại Lam Sơn, Thanh Hoá. Ông là người cương trực, khảng khái. Năm 1946, nhà Minh xâm lược nước ta. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông rất đau lòng và nuôi chí diệt giặc, cứu nước.


Ngày 7-2-1418, sau một quá trình chuẩn bị và vận động nhân dân, Lê Lợi được Nguyễn Trãi giúp sức đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (tỉnh Thanh Hoá). Được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng chuyển thành chiến tranh giải phóng dân tộc. Cuộc kháng chiến vĩ đại này đã kéo dài 10 năm (từ 1418 đến 1428) và kết thúc thắng lợi, lật đổ ách thống trị của nhà Minh.


Sau khi chiến thắng quân Minh, ngày 29-4-1428, Lê Lợi lên ngôi vua tức Lê Thái Tổ và lập ra triều Lê, đưa chế độ phong kiến Việt Nam lên giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất.
Ông mất ngày 5-10-1433.

 

* Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới, Mặt trận Liên Việt được tổ chức thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Đại hội thành lập Mặt trận tổ quốc Việt Nam họp từ ngày 5 đến 10-9-1955 tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua cương lĩnh của Mặt trận, chính sách đại đoàn kết toàn dân, vai trò và nhiệm vụ của Mặt trận đối với Cách mạng nước ta trong giai đoạn mới.


Tại đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận, Cụ Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch và 98 uỷ viên đại diện cho tất cả các đoàn thể thuộc nhiều xu hướng chính trị, tôn giáo, thành phần giai cấp khác nhau.

 

* Ngày 10-9-1996, Nhà nước ta đã quyết định trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho 33 cụm công trình khoa học kỹ thuật và 44 cụm tác phẩm văn học nghệ thuật.


Đây là một sự biểu dương những cống hiến to lớn của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức nước ta vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng nước nhà hơn 50 năm qua.

 

* Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 50 đã thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ngày 10-9-1966.


Hiệp ước này quy định: Các quốc gia cam kết không tiến hành hoặc cho phép bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở nơi thuộc quyền kiểm soát và tài phán của mình; không khuyến khích hoặc tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào bất cứ vụ nổ hạt nhân nào. Hiệp ước không cấm thử hạt nhân trong phòng thí nghiệm và trên máy vi tính.


Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện sẽ có hiệu lực sau khi được tất cả 44 quốc gia được coi là tiềm năng hạt nhân ký và phê chuẩn - nước Việt Nam ta là một trong 44 nước đó.