* Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, người làng Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (tỉnh Hưng Yên) và qua đời ngày 11-9-1746. Bà là con Đoàn Doãn Nghi, em Đoàn Doãn Luân, hai người đều đỗ Hương Cống, nhưng không ra làm quan chỉ ở nhà dạy học.
Bản thân Đoàn Thị Điểm là phụ nữ có dung sắc đẹp đẽ, có học vấn. Chồng bà là Tiến sĩ Nguyễn Kiều đã từng ca ngợi bà "tài năng nương tử, xưa hiếm nay không, xuất khẩu thành chương, thông minh bẩm chất". Hai vợ chồng bà sống hạnh phúc nhưng bà mất sớm.
Ngoài bản dịch "Chinh phụ ngâm" (nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn), bà còn viết tập truyện chữ Hán "Truyện kỳ tân phả" và nhiều thơ phú khác.
* Đại hội lần thứ 6 của Quốc tế cộng sản họp từ ngày 17-7 đến 11-9-1928 đã thông qua bản "Đề cương về Cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa".
Bản đề cương nêu rõ tính chất của cuộc cách mạng là "phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ tư sản". Nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng đó là "Giải phóng đất nước khỏi chủ nghĩa đế quốc; tổ chức Xô Viết công nông, lập chuyên chính công nông củng cố quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản..."
Bản đề cương đã góp phần lớn vào việc phát triển phong trào Cách mạng ở Việt Nam. Là một yếu tố góp phần thúc đẩy nhanh thêm quá trình chuẩn bị thành lập Đảng cộng Sản Việt Nam.
* Từ ngày 11 đến 16-9-1961, đã diễn ra Hội nghị Thuỷ lợi toàn miền Bắc. Hội nghị tổ chức tại Hưng Yên, một trong những tỉnh có nhiều thành tích về công tác thuỷ lợi và biện pháp cụ thể nhằm đưa công tác thuỷ lợi tiến lên phục vụ tốt kế hoạch 5 năm phát triển nông nghiệp.
* Sáng 11-9-2001, một sự kiện đã gây chấn động nước Mỹ.
Máy bay của hàng không dân dụng Mỹ đã bị cướp và đâm vào toà tháp đôi nổi tiếng của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, gây ra vụ khủng bố lớn nhất trong lịch sử loài người, khiến hơn 3000 người thiệt mạng. Cuộc khủng bố này đã khiến cho nền kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái bị ảnh hưởng trầm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế khác. Nó gây tác động trực tiếp đến ngành vận tải hàng không, du lịch...