* Ngày 19-9-1954, Hồ Chủ tịch đã nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ đại đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô tại Đền Hùng (Phú Thọ) trong cuộc nói chuyện Bác đã nói: "Bộ đội ta đánh giặc giỏi, nhưng làm sao phải chiếm được lòng dân, để dân tin cậy, đó là điều quan trọng. Các chú phải lo tiếp quản Thủ đô cho chu đáo... phải bảo vệ tài sản trong Thành phố. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa: Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
* Duy Tân tức Nguyễn Phúc Vĩnh San, vua thứ 11 nhà Nguyễn, sinh ngày 19-9-1900.
Ông làm vua từ năm 1907 đến năm 1916. Duy Tân là nhà yêu nước, có tinh thần dân tộc. Năm 1916, ông cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân trong Việt Nam Quang Phục hội, dựa vào số binh lính bị mộ sang Pháp để tổ chức khởi nghĩa ở Huế và miền Nam Trung Kỳ. Công việc bị bại lộ, Duy Tân bị thực dân Pháp đày sang đảo Rêuyniông (châu Phi). Duy Tân là người ham học có ý chí. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông gia nhập quân đội đồng minh chống phát xít. Cuối năm 1945, ông mất do tai nạn máy bay ở châu Phi. Đến tháng 4-1987, hài cốt Duy Tân được đưa từ đảo Rêuyniông về thành phố Huế, cải táng bên cạnh vua cha Thành Thai.
* Nhà văn Nguyễn Đình Lạp có bút danh Yến Đình sinh ngày 19-9-1913, quê ở Bạch Mai - Hà Nội.
Ông chuyên viết tiểu thuyết xã hội, nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám. Đến cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông tích cực tham gia hội văn nghệ, nhiệt thành đóng góp tâm huyết trên mặt trận văn hoá, văn nghệ. Các tác phẩm của ông là: "Ngoại ô" (năm 1941), "Ngõ hẻm" (1943). Ngoài ra còn một số truyện ngắn và bài biên khảo đăng trên báo.
Ông mất ngày 24-4-1952, hưởng dương 39 tuổi.
* Ngày 19-9-1981, Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt - Xô bắt đầu thăm dò, khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta.
* Cônxtantin Êđuaôvich Xiôncốpxki sinh năm 1857 và qua đời ngày 19-9-1935 tại Liên Xô. Các nhà khoa học thế giới công nhận Xiôncốpxki là ông tổ ngành du hành vũ trụ.
Xuất thân là nhà giáo, từ năm 28 tuổi, ông đã quyết hiến trọn đời mình cho công cuộc nghiên cứu về hàng không vũ trụ. Ngay từ năm 1898, ông đã viết cuốn "Thám hiểm các khoảng không vũ trụ bằng máy bay phản lực".
Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) đã chắp cánh cho Xiôncốpxki phát huy hết tài năng. Toàn bộ công trình của ông gồm hơn 150 tác phẩm và ông trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Đáng tiếc sau khi ông qua đời 22 năm, những ước mơ của ông mới thành hiện thực. Năm 1957, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô mới được phóng vào vũ trụ.