* Ngày 27-9-1989, Chính phủ ta đã quyết định thành lập Uỷ ban quốc gia phòng nạn mù chữ. Uỷ ban này có nhiệm vụ chỉ đạo công cuộc thống nạn mù chữ cho người lớn tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em trong độ tuổi. Với sự tham gia của 12 ngành, đoàn thể, Uỷ ban quốc gia chống nạn mù chữ chỉ đạo một mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến huyện, quận, xã, phường trong cả nước, tiếp tục truyền thống của bình dân học vụ, bổ túc văn hóa trong mấy chục năm qua, cùng với cộng đồng quốc tế quyết tâm thực hiện mục tiêu thế giới bước vào thế kỷ XXI không còn nạn mù chữ do UNESCO khuyến cáo và Liên hiệp quốc phát động.
* Nhận thấy sự tan rã của bộ máy chính quyền thực dân Pháp sau khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, Đảng bộ Bắc Sơn phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền.
20 giờ ngày 27-9-1940, hơn 600 quân khởi nghĩa gồm đủ các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Kinh đã tấn công đồn Mỏ Nhài (Châu lỵ Bắc Sơn). Sau khi chiếm lỵ, Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ. Các ngày 28 và 29-9 quân khởi nghĩa tiếp tục tấn công vào đánh tan quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Di. Thực dân Pháp cùng phát xít Nhật thỏa hiệp với nhau đàn áp cuộc khởi nghĩa, đưa quân chiếm lại các đồn. Đồng chí Trần Đăng Ninh được Xứ ủy cử lên lãnh đạo phong trào và hướng cuộc nổi dậy vào mục tiêu xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài. Giữa tháng 10-1940, Ban chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn được thành lập và quyết định thành lập Du kích Bắc Sơn vào 13-10-1940. Ngày 28-10 quần chúng Cách mạng tổ chức mít tinh ở Vũ Lăng.
Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy thất bại nhưng để lại bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, đặt nền móng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân.
* Ngày 27-9-1950, tổ điệp báo A13 của công an Hà Nội đã phối hợp với công an Thanh Hóa để tiến hành một nhiệm vụ quan trọng.
Nhiệm vụ này được giao cho các đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi và Chu Duy Kính. Với tinh thần dũng cảm và mưu trí, họ đã làm nổ tung chiếc tàu chiến Amiô Đanhvin trên vùng biển Sầm Sơn, 200 lính và sĩ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí bị tiêu diệt và phá huỷ. Chị Nguyễn Thị Lợi đã hy sinh - chị được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Với chiến công này, ta đã đập tan âm mưu của thực dân Pháp và bọn tay sai muốn xây dựng "chiến khu quốc gia", đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh, phá tan mưu đồ lôi kéo, mua chuộc những người kháng chiến "li khai" chính phủ Việt Minh, trở về với chính phủ quốc gia "bù nhìn".
* Ngày 27-9-1975 tại Mêhicô, Tổ chức Du lịch thế giới ra đời. Tổ chức Du lịch thế giới (OMT) luôn cố gàng làm cho các quốc gia hiểu biết nhau, gần nhau và duy trì mối quan hệ quốc tế tốt đẹp. Tổ chức đã thực hiện những chương trình hành động bao gồm việc nghiên cứu các đề tài du lịch, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch, cấp học bổng đào tạo cán bộ du lịch cho các nước thành viên...
Ngành Du lịch Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới từ năm 1981.
* Tại kỳ thi kiến trúc quốc tế thứ tư tổ chức tại Xôphia (Bungari) ngày 27-9-1987, đồ án kiến trúc "Tồn tại hay không tồn tại" của một nhóm kiến trúc sư trẻ Việt Nam đã được giải thưởng lớn và Huy chương vàng.
Bản đồ án kiến trúc lấy ý từ câu triết lý sâu sắc của Hămlet, nhân vật bi kịch của Sếchxpia, đưa ra giải pháp về nhà ở đối với người dân chài ở miền Trung nước ta. Cuối năm 1987, nhóm 4 kiến trúc sư Vũ Anh Tuấn, Vũ Văn Tân, Lê Thị Kim Dung và Nguyễn Bắc Vũ lại giành giải nhất tại kỳ thi quốc tế về kiến trúc ở Ba Lan với đồ án "Không gian Ali Baba" đưa ra giải pháp nhà ở tại khu 36 phố phường Hà Nội, "giúp nó tồn tại như một quá khứ thuộc về tương lai".