* Ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra chỉ thị về đợt sinh hoạt Chính trị "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch". Chỉ thị vạch rõ "Hồ Chủ tịch qua đời nhưng Người đã để lại cho ta một di sản rất quý báu. Đó là sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người. Nhiệm vụ của toàn Đảng toàn dân ta là đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết tâm làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch... ". "Mục đích của đợt sinh hoạt chính trị này là: Làm cho mọi người thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch đối với Đảng ta, nhân dân ta và đối với cách mạng thế giới, thấy rõ hơn phẩm chất cách mạng cao đẹp trong sáng của Hồ Chủ tịch, từ đó tăng thêm lòng tự hào, phấn khởi tin tưởng và quyết tâm vươn lên tiếp tục sự nghiệp Cách mạng của Hồ Chủ tịch, thực hiện bằng được Di chúc của Người".
* Trung tướng Nguyễn Bình, tên thật là Nguyễn Phương Thảo sinh năm 1906, quê làng Giai Phạm, tỉnh Hưng Yên. Những năm 30 ông tham gia Quốc dân Đảng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông bị bắt và giam tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Ra tù, ông bí mật hoạt động chống Pháp và lập căn cứ ở Đông Triều. Sau Cách mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến, ông được Chính phủ cử vào Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Nguyễn Bình được phong hàm trung tướng và thực hiện là Tổng chỉ huy chiến trường Nam Bộ. Gan dạ, táo bạo, thông minh và quyết đoán là đặc trưng tiêu biểu trong nhân cách của tướng Nguyễn Bình. Những chiến công buổi đầu của nhân dân Nam Bộ gắn liền với tên ông. Ông được nhân dân kính nể, quân thù khiếp sợ.
Ngày 29-9-1951, trên đường công tác trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh gần Biên giới Việt Nam - Campuchia.
* Ngày 29-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành "Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước". Điều lệ gồm có 11 điều gồm các chương: đối tượng và tiêu chuẩn, thủ tục xét đề nghị khen thưởng và điều khoản thi hành.