* Chi Lăng là một cửa ải hiểm yếu nằm trên đường từ Lạng Sơn về Đông Quan. Ngày 10-10-1427, toàn bộ đội quân tiên phong của địch lọt vào trận mai phục và bị tiêu diệt gọn. Tướng nhà Minh là Liễu Thăng bị chém chết bên sườn núi Mã Yên.
Chiến thắng Chi Lăng đã tiêu diệt hoàn toàn 10 vạn quân tiếp viện của nhà Minh. Đây là một chiến thắng oanh liệt, triệt để, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
* Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 trong một gia đình theo đạo Thiên chúa ở Nghệ An, mất ngày 10-10-1871.
Thuở nhỏ ông học chữ nho, thông minh, hiểu biết hơn người, được gọi là "Trạng Tộ". Lớn lên, ông được học thêm tiếng La tinh, tiếng Pháp. Từ năm 1860, được sang Pháp. Ông chú ý quan sát, tìm hiểu sự giàu có, văn minh của họ để tìm cách cứu nước nhà thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu. Từ năm 1863 đến năm 1871, Nguyễn Trường Tộ đã trình lên vua Tự Đức 58 bản hiến kế, thiết tha bày tỏ mong muốn đổi mới đất nước, mong nước ta phải mạnh lên, có nhiều bạn bè để đủ sức đối phó với giặc Pháp.
Nhưng vua quan nhà Nguyễn không chấp nhận các đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ.
* Tạ Duy Hiển sinh ngày 10-10-1888 tại Hà Nội và qua đời năm 1966.
Ông là người đầu tiên ở ngoài Bắc đứng ra lập một gánh xiếc rong của gia đình. Ngày 5-12-1922, đoàn xiếc Việt Nam của ông ra mắt trước công chúng ở rạp hát chợ Hàng Da (Hà Nội). Đây là gánh xiếc đầu tiên của Việt Nam với đầy đủ tiết mục người và thú.
Thành công của gánh xiếc Tạ Duy Hiển đã kích thích sự phát triển của ngành xiếc Việt Nam. Khắp ba miền Trung - Nam - Bắc lần lượt ra đời nhiều gánh xiếc.
Năm 1958, Tạ Duy Hiển được cử làm trưởng đoàn xiếc nhân dân Trung ương (nay là Liên đoàn xiếc Việt Nam). Ông đã đào tạo hàng loạt nghệ sĩ trẻ nối nghiệp.
Nhà nước đã truy tặng ông Tạ Duy Hiển danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
* Để tăng cường công tác tuyên truyền vận động và chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa, ngày 10-10-1942 Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương cho xuất bản tờ "Cờ giải phóng". Tờ báo do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách.
Nội dung tờ báo này đề cập tới các vấn đề chính trị thế giới và trong nước, về sinh hoạt, kinh nghiệm công tác Đảng và nhiều bài có tính chất chỉ đạo phong trào. Báo xuất bản bí mật và không định kỳ. Sau Cách mạng tháng Tám, từ số 16 đến 33 báo xuất bản công khai tại Hà Nội với danh nghĩa là "Cơ quan tuyên truyền cổ động của Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương".
* Từ sáng sớm ngày 10-10-1954. Nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, ảnh Bác Hồ và những bó hoa tươi thắm, thành đội ngũ trật tự theo từng công sở, xí nghiệp, trường học, khu phố... kéo tới những con đường được báo trước là bộ đội hành quân qua.
Đoàn xe đầu tiên do thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu.
8 giờ: Cánh quân phía Tây xuất phát từ Quần Ngựa. Đó là những chiến sĩ bộ binh của trung đoàn Thủ đô, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị, anh hùng quân đội dẫn đầu. Các chiến sĩ diễu binh qua Kim Mã, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... Đến 9 giờ 45 tiến vào Cửa Nam, thành Hà Nội.
8 giờ 45 phút. Cánh quân phía Nam xuất phát từ Việt Nam học xá, tiến qua Bạch Mai, phố Huế, vòng quanh Hồ Gươm rồi vòng lại chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thuỷ và Đấu Xảo.
9 giờ 30 : Đoàn Cơ giới và pháo binh xuất phát từ Bạch Mai, qua Phố Huế; 10 giờ 15 đến Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Chợ Đồng Xuân, rẽ sang đường Cửa Bắc, tiến vào thành lúc 10 giờ 45 phút.
15 giờ: Còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài. Mấy chục vạn quân dân Hà Nội, đã trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ an quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ với sự tham gia của các đơn vị quân đội. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Mở đầu lời kêu gọi Bác viết: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.
Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng không xiết kể".
* Ngày 10-10-1958 quân ta tiến công quận lỵ Dầu Tiếng (Thủ Dầu Một), diệt và bắt hàng tất cả bọn địch ở đây, sau đó lại đánh tan một tiểu đoàn đến tiếp viện. Các chủ đồn điền người nước ngoài chấp nhận đóng thuế cho Cách mạng. Sau trận này, địch đã rút bỏ 20 đồn lẻ trong quận.
* Suốt 38 ngày đêm, từ 10-10 đến 18-11-1965 quân giải phóng miền Nam đã liên tục tấn công địch ở Plâyme, một làng nhỏ thuộc tỉnh Gia Lai, cách thị xã Plâycu 40km về phía tây. Quân giải phòng đã liên tục chiến đấu và chiến thắng, diệt 3.000 địch, trong đó có 1.700 Mỹ, một tiểu đoàn Mỹ và 2 tiểu đoàn nguỵ bị tiêu diệt gọn; 88 xe quân sự bị phá huỷ, 44 máy bay bị bắn rơi.
Với chiến thắng Plâyme, uy thế "Kỵ binh bay" của Mỹ bị chôn vùi sau cuộc xuất quân đầu tiên.
* Liên minh Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương (Viết tắt là APT) được thành lập từ năm 1979.
Việt Nam là thành viên chính thức của APT từ ngày 10-10-1979.
APT là tổ chức khu vực hoạt động dưới sự bảo trợ của Uỷ ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương, có mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của Liên hiệp quốc.