* Lý Bôn tức Lý Bí, quê ở Long Hưng, tỉnh Thái Bình, sinh ngày 17-10-503. Ông là người tài kiêm văn võ, được tôn là thủ lĩnh địa phương. Tháng giêng năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi binh tấn công quân Lương đô hộ nước ta . Chưa đầy ba tháng, Lý Bí đã chiếm được hầu hết các quận huyện và thành Long Biên.
Tháng 2 năm 544, Lý Bí xưng Hoàng đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.
Năm 545, nhà Lương lại đưa quân sang đánh, ông tổ chức xây thành, đắp lũy để chống cự, nhưng sức giặc mạnh, ông lui quân về Tam Nông (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) và qua đời tại đây vào năm 548.
* Đào Duy Từ sinh năm 1572 quê ở làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hoá.
Ông thông kinh sử, tinh thông lý số và binh thư đồ trận được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng, phong làm Nội tán, Năm 1630, ông đề xuất việc đắp luỹ Trường Dục ở huyện Phong Lộc, Quảng Bình. Năm sau ông lại đắp thêm một luỹ nữa từ cửa bể Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình (tục gọi là Luỹ Thầy). Ông viết bộ binh thư "Hổ trướng khu cơ" và hai khúc ngân "Ngoạ long cương vãn" dài 136 câu lục bát được phổ biến trong lịch sử văn học.
Ông mất ngày 17-10-1634, thọ 62 tuổi.
* Cao Bá Quát sinh ngày 17-10-1808 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Là người có tài nhưng bị sự ghen ghét của quan trưởng nên ông chỉ đỗ cử nhân. Bất bình với triều đình về nhiều mặt, năm 1854, ông tham gia phong trào lãnh đạo nông dân khởi nghĩa do Lê Huy Cự làm thủ lĩnh, nổi dậy ở Mỹ Lương (vùng Mỹ Đức, Chương Mỹ, Tỉnh Hà Tây hiện nay). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Cao Bá Quát hy sinh tháng giêng năm 1855.
Cao Bá Quát là một nhà thơ lớn. Ông để lại 1353 bài thơ chữ Hán. Thơ của ông thể hiện tình cảm thiết tha gắn bó với quê hương, với người thân, sự đồng cảm với những người nghèo khổ, niềm tự hào với lịch sử dân tộc và thái độ phê phán mạnh mẽ đối với triều đình nhà Nguyễn.
Người đương thời đã suy tôn ông là "Thánh Quát". Ông nổi tiếng về chữ đẹp, còn để lại bút tích đến ngày nay.
* Từ ngày 17 đến ngày 23-10-1986, tại Cung văn hoá Lao động Việt - Xô đã tiến hành Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ X. Có 709 đại biểu thay mặt cho hơn 150 nghìn Đảng viên về dự.
Các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội khoá X gồm 51 uỷ viên chính thức, 14 uỷ viên dự khuyết, do đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Bí thư Thành uỷ.
Thế giới
* Phrêđêric Sôpanh là nhạc sĩ pianô, nhà soạn nhạc nổi tiếng Ba Lan, sinh năm 1819 và từ trần ngày 17-10-1849 tại Pari.
Sôpanh học đàn pianô từ nhỏ. 19 tuổi, ông đã bắt đầu sáng tác âm nhạc. 20 tuổi ông rời Ba Lan sang sống ở nước Pháp làm thầy dạy nhạc.
Những tác phẩm chính của Sôpanh có nhiều loại: cho dàn nhạc, cho nhạc thính phòng và chủ yếu cho đàn pianô. Những bản nhạc của ông có tính lãng mạn dịu dàng, buồn man mác. Ông đã kết hợp truyền thống cổ điển với dân ca Ba Lan. Một số bản nhạc ông đã nói lên sự phẫn nộ, căm uất và thương nhớ tổ quốc Ba Lan bị nô dịch.
Sôpanh là người cách tân phương pháp biểu diễn pianô trong lĩnh vực hoà âm và phối khí.