Một số sự kiện trong ngày 2 tháng 10:

00:00, 02/10/2014

* Ngày 2-10-1980, Đặng Thái Sơn đã được giải nhất trong cuộc thi Pianô quốc tế mang tên Sôpanh lần thứ 10 tổ chức tại Vácsava (Ba Lan).   Cuộc thi này có 150 nghệ sĩ của 36 nước tham dự. Đặng Thái Sơn lúc đó mới 22 tuổi, là sinh viên năm thứ 4 của nhạc viện quốc gia Mátxcơva. Đặng Thái Sơn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

 

* Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 từ trần ngày 2-10-1988 tại Hà Nội.


Ông tham gia Cách mạng từ năm 1945.


Sau Cách mạng tháng Tám ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng: Chủ tịch uỷ ban hành chính thành phố Hà Nội (tháng 8-1945), Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Năm 1947), Thứ trưởng Bộ Y tế (tháng 6-1954).


Từ năm 1954 đến năm 1977 bác sĩ Trần Duy Hưng được bầu làm chủ tịch Uỷ ban Hành chính (sau này là ủy ban nhân dân) thành phố Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII.


Bác sĩ Trần Duy Hưng là một trí thức yêu nước đi theo cách mạng, được nhân dân yêu mến và kính trọng.

 

* Ngày 2-10-1866, Ôxtechâu (Osterhoudt) ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) đã phát minh ra một loại vỏ đồ hộp có một chốt mở cố định trên nắp.


Người ta chỉ cần nhẹ nhàng bóc nó ra và xoay nó để mở hộp.

 

* Môhanđát Caramchanđơ Ganđi (Mohadas Karamchand Gandhi) sinh ngày 2-10-1869 và qua đời năm 1948 do bọn phản động ám sát.


Ông là nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc Ấn Độ. Để chống lại thực dân Anh, giành độc lập dân tộc, Ganđi chủ trương không dùng bạo lực và không coi bạo lực là phương pháp chiến tranh chính trị. Từ năm 1919 đến năm 1922, Ganđi trở thành lãnh tụ của Đảng Quốc đại và giữ vai trò quan trọng trong việc biến Đảng này thành một tổ chức quần chúng chống đế quốc. Học thuyết của Ganđi trở thành tư tưởng chính của Đảng Quốc đại trong cuộc đấu tranh của nền độc lập Ấn Độ.


Nhân dân Ấn Độ suy tôn ông là Mahátma, nghĩa là "Tâm hồn vĩ đại".