* Cao Thắng sinh năm 1864 quê ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, nhưng chịu khó học tập, giỏi cả văn võ, thông minh, dũng cảm. Ông ra nhập nghĩa quân của Phan Đình Phùng và trở thành một tướng giỏi.
Khi cụ Phan Đình Phùng ra Bắc đã giao quyền chỉ huy nghĩa quân cho Cao Thắng. Ông đã góp phần xây dựng lại lực lượng nghĩa quân, chế tạo vũ khí để đánh giặc. Ông làm ra những khẩu súng trường giống như của Pháp năm 1874.
Ngày 31-10-1893, Cao Thắng bị trúng đạn và hy sinh. Khi đó ông mới 29 tuổi.
* Lưu Quý Quỳ gốc người xã Minh Hương, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, sinh ngày 31-10-1919.
Từ năm 1937, tham gia cách mạng, ông công tác qua các ban, ngành: Trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Vụ trưởng vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.
Ông viết báo, viết sách nhiều, tích cực hoạt động trên nhiều lĩnh vực, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng nhất. Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Danh dự Tổ chức quốc tế các nhà báo.
Những tác phẩm của ông được hoan nghênh: "Nước về biển cả", "Công chúng mới", "Bài thơ Nam Bộ", "Miền Nam yêu quý", "Tác phong văn nghệ nhân dân", "Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam Bộ", "Phút im lặng"...
Sau cơn bệnh đột ngột khi đang công tác tại nước ngoài, ông từ trần ngày 1-8-1982, thọ 63 tuổi.
Thế giới
* Tướng quân Phrunde sinh ngày 2-2-1885 tại Cộng hoà Kiêcghidia.
Năm 1906, ông gặp Lênin tại Thụy Điển và từ đó trở thành người đồng chí trung kiên của Lênin. Từ năm 1905 đến Cách mạng tháng Mười, ông hoạt động bí mật, nhiều lần bị bắt, bị đi đày.
Năm 1924, Ông được cử làm Bộ trưởng dân uỷ phụ trách quân đội và hải quân, làm Phó chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng kiêm Tổng tham mưu trưởng Hồng quân nông - công, kiêm Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp.
Ngày 31-10-1925, Ông đã từ trần ở Mátxcơva lúc mới 40 tuổi. Sau khi ông qua đời, Học viện cao cấp Hồng quân được mang tên Phrunde và tên họ của ông được gắn trên tường thành Kremli.
* Ngày 31-10-1952, Mỹ đã cho nổ bom khinh khí đầu tiên trên đảo Ênivetốc trên Thái Bình Dương. Nó đã được Thenlơ (Teller) thiết kế, là kết quả của quá trình nghiên cứu xuất phát từ bom nguyên tử, bắt đầu năm 1949 và hoàn thành vào năm 1951. Tháng 8 năm 1953, Liên Xô cho nổ một quả bom khinh khí tương tự. Tiếp theo là Anh (năm 1957), Trung Quốc (năm 1967) và Pháp (năm 1968).
* Bà Inđira Ganđi sinh năm 1917 và bị kẻ thù sát hại ngày 31-10-1984, Bà là Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ từ năm 1966 đến năm 1977, và từ năm 1980 đến năm 1984, là lãnh tụ xuất sắc của phòng trào Không liên kết, là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Sau khi bà từ trần, Thủ đô Hà Nội đã đổi tên vườn hoa Chí Linh thành vườn hoa Inđira Ganđi để ghi nhớ tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ.