Một số sự kiện trong ngày 6 tháng 10:

00:00, 06/10/2014

* Chu Văn An là nhà giáo và nhà thơ, sinh ngày 6-10-1292 tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, qua đời năm 1370. Ông đã đỗ Thái học sinh. Đời Trần Minh Tông, ông làm việc ở Quốc Tử Giám, phụ trách việc giảng kinh cho Thái tử và biên soạn sách.

 

Đời Trần Dụ Tông, Chu Văn An đang làm quan tại triều đình, thấy chính sự bại hoại, ông đã viết "Thất trảm sớ" xin chém đầu 7 gian thần. Vua không nghe, ông bèn từ quan, về ở ẩn tại huyện Chí Linh (Hải Dương). Từ đó ông chỉ làm thơ văn và dạy học. Học trò của Chu Văn An có nhiều người hiển đạt như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát...


Sau khi mất, ông được đưa vào thờ ở nhà Văn Miếu (Hà Nội). Ông sáng tác tập thơ chữ Hán "Tiều ẩn thi tập", một số bài thơ còn chép ở trong "Toàn Việt thi lục" do Lê Quý Đôn sưu tập. Ngoài ra, Chu Văn An còn cùng với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố là những người đầu tiên dùng chữ nôm để sáng tác văn học.


Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có đường phố mang tên Chu Văn An.

 

* Thế Lữ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ, quê ở làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội sinh ngày 6-10-1907, mất năm 1989.


Ông sớm có mặt trong Tự lực văn đoàn, và nổi tiếng với bài thơ "Nhớ rừng". Bài thơ của ông đã thể hiện được tâm trạng nuối tiếc rừng xanh tự do, tâm trạng nhục nhằn và phẫn uất của một con hổ bị nhốt trong vườn bách thú, mà đọc lên người ta dễ liên tưởng tới thân phận những con người có tài năng và khí phách trong một đất nước bị nô lệ. Cùng với những bài thơ khác như "Tiếng sáo thiên thai", "Cây đàn muôn điệu", Thế Lữ đã trở thành một trong những người mở đầu phong trào Thơ Mới 1930-1945.


Thế Lữ còn là một nhà hoạt động sân khấu. Ông viết kịch bản, làm diễn viên, đạo diễn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông phụ trách Đoàn kịch Chiến Thắng của quân đội, và từ năm 1957, ông là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Kịch của Thế Lữ thường lấy đề tài trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.


Trên cả hai lĩnh vực thơ và kịch, Thế Lữ đều có những đóng góp có tính chất mở đầu. Ông được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

 

* Trần Đăng Ninh sinh năm 1910, quê ở huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, qua đời ngày 6-10-1955.


Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1936. Năm 1940, ông tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh vũ trang ở Bắc Sơn. Năm 1941, ông là Uỷ viên Trung ương Đảng. Năm 1945, ông tham gia Uỷ ban khởi nghĩa. Năm 1947, ông phụ trách công tác kiểm tra của Đảng và sau đó làm Phó tổng thanh tra Chính phủ. Từ năm 1950, ông giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, sau này gọi là Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Năm 1951, ông được bầu lại làm uỷ viên Trung ương Đảng.


Sau khi qua đời, ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất do có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Pháp và trong việc củng cố chính quyền dân chủ nhân dân.

 

* Ngày 6-10-1984, Hội đồng Nhà nước tặng thưởng thủ đô Hà Nội Huân chương Sao Vàng, tặng thưởng lực lượng vũ trang Thủ đô Huân chương Hồ Chí Minh, tặng thưởng lực lượng công an nhân dân Thủ đô Huân chương Hồ Chí Minh - Vì những đóng góp của nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô trong công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.